Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP vừa kiến nghị lên UBND TPHCM một loạt biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại các đường ngang đường sắt trên địa bàn.
Số liệu từ ngành chức năng cho thấy địa bàn thành phố hiện có tổng cộng 26 vị trí đường ngang xe lửa, trong đó có 21 đường ngang có người gác do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bố trí nhân sự, 5 đường ngang không có người gác nhưng chỉ tổ chức phòng vệ theo hình thức cảnh báo tự động hoặc cần chắn tự động. Cụ thể những đường ngang không có người gác ấy gồm đường ngang Trần Khắc Chân tại vị trí Km 1723+991, đường ngang Trạm Hỏa xa tại Km 1723+009, đường ngang Trần Hữu Trang tại Km 1724+815, đường ngang Nguyễn Xí tại Km 1720+015 và đường ngang Bình Thạnh tại Km 1719+630.
Giao điểm giữa đường sắt và đường dân sinh trong các khu dân cư tại TPHCM không có rào chắn rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Ảnh: CAO THĂNG
Thế nhưng vẫn còn nhiều tồn đọng chung quanh hệ thống đường sắt, chính xác hơn là liên quan đến an toàn chạy tàu và an toàn cho các khu dân cư nơi đường sắt chạy ngang qua. Một trong những tồn đọng đó là vẫn còn xảy ra tình trạng một bộ phận người dân sinh sống dọc tuyến đường sắt có thói tật đổ rác thải, xà bần bừa bãi trong hàng rào đường sắt dọc theo hành lang ATGT đường sắt. Việc đổ rác bừa bãi ấy vừa mất an toàn chạy tàu, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tương tự là tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để làm nơi buôn bán kinh doanh và như “quy luật” bất thành văn, đoạn đường sắt nào có lấn chiếm buôn bán tự phát là ở đó xảy ra xô bồ, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn chạy tàu. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dung, Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) số 1 nhận xét rằng ý thức chưa cao của người dân đi ngang qua đường ngang đường sắt biểu hiện dưới nhiều dáng vẻ: dù đã có đèn cảnh báo nhưng vẫn cố đi qua, băng qua đường ngang mà thiếu chú ý quan sát, không chấp hành dừng tại vạch dừng chờ - một dạng hành động tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho chính họ hoặc cho người khác...
Cũng có khi vấn đề tồn tại xảy ra do chính hệ thống tổ chức vận hành của bản thân ngành đường sắt. Tình trạng phóng uế “vô tư” từ trên xe lửa thẳng xuống đường ray là một ví dụ. Tệ trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm mặc dù hậu quả của việc phóng uế bừa bãi ấy lắm khi rất nghiêm trọng: gây ô nhiễm môi trường sống, có nguy cơ cao phát tán lây lan dịch bệnh giữa các vùng, miền!
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác: có đoạn có nơi cỏ dại mọc um tùm hai bên đường ray xe lửa làm khuất tầm nhìn không chỉ của các phương tiện đường bộ mà còn của chính đường sắt.
Theo Sở GTVT, việc đảm bảo trật tự an toàn hành lang đường sắt nói chung và nói riêng tại các đường ngang đường sắt trên địa bàn thành phố đòi hỏi sự chung tay chung sức của nhiều đầu mối, đặc biệt là phía quản lý đường sắt và chính quyền các địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua.
Chính trong cách nhìn này, phần việc của mỗi bên liên quan được xác định rõ ràng và dễ dàng. Bấy giờ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ đảm trách những việc như đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống gác chắn tại các vị trí đường ngang trên địa bàn; mở rộng các đường ngang đảm bảo đồng bộ bề rộng đường bộ hai bên; xây dựng hệ thống hàng rào bê tông cốt thép; có phương án đầu tư thiết bị vệ sinh tự hoại trên các đoàn tàu… Có lẽ một trong những việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần làm ngay là khẩn trương thực hiện nâng cấp những đường ngang không có người gác trên địa bàn thành phố theo đúng quy định.
Trong khi đó, chính quyền các địa phương có đường sắt Bắc - Nam chạy qua gồm quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức sẽ chịu trách nhiệm bổ sung lắp đặt kịp thời, nhanh chóng hệ thống cọc tiêu, biển báo và vạch sơn dừng chờ đang thiếu tại các vị trí lẽ ra phải có như quy định giao nhau giữa đường sắt và đường bộ trên các tuyến đường hoặc hẻm gần giao lộ đường ngang hoặc đường ngang do quận quản lý. Chính quyền địa phương cũng là đầu mối làm công tác vận động, tuyên truyền người dân sống trong khu vực không có những hành vi gây phương hại đến an toàn chạy tàu, như đổ rác bừa bãi, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để buôn bán… Đặc biệt, UBND quận Bình Thạnh được lưu ý cần khẩn trương triển khai dự án xây đường nối từ ngã ba Nơ Trang Long - Nguyễn Xí và đường trục khu dân cư Bình Hòa thuộc phường 13, quận Bình Thạnh để có thể mở đường ngang kết nối khu dân cư Bình Hòa tại vị trí Km 1719+732 nhằm đóng hai đường ngang hiện không đảm bảo an toàn là đường ngang Bình Thạnh tại vị trí Km 1719+630 và đường ngang Nguyễn Xí tại vị trí Km 1720+015.
Việc tổ chức cảnh giới, phòng vệ tại 5 đường ngang không có người gác nêu trên là trách nhiệm của cơ quan quản lý đường sắt, tuy nhiên lâu nay thành phố cũng đã hỗ trợ bố trí lực lượng Thanh niên xung phong trực gác cảnh báo hàng ngày, từ 6 giờ sáng đến 22 giờ. Trong báo cáo mới nhất vừa được trình lên UBND TPHCM, Sở GTVT kiến nghị nâng thời gian bố trí lực lượng Thanh niên xung phong trực gác tại các vị trí đường ngang không có người gác, đường ngang cảnh báo tự động và cần chắn tự động lên 24/24 giờ thay vì chỉ bắt đầu lúc 6 giờ sáng và kết thúc lúc 22 giờ như hiện nay.
Đối với Sở GTVT, trọng trách được giao cho lực lượng Thanh tra GTVT và các khu QLGTĐT phụ trách địa bàn có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua. Cụ thể, Thanh tra GTVT sẽ phối hợp với Cảnh sát giao thông trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt tại các vị trí đường ngang đường sắt, đặc biệt các hành vi vi phạm như che khuất tầm nhìn tại đường ngang, mở lối đi trái phép, xe tải xe khách dừng đậu không đúng quy định tại những nơi giao cắt giữa đường bộ, đường sắt…
Trong khi đó, các khu QLGTĐT được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo, hạ tầng kỹ thuật tại các đường ngang để có phương án, đề xuất điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế; vuốt nối lại mặt đường tiếp giáp đường ngang đường sắt với đường bộ cho êm thuận. Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu QLGTĐT số 2 thuộc Sở GTVT, cho biết tất cả 8 đường ngang đường sắt trong phạm vi địa bàn Khu QLGTĐT số 2 quản lý đều có hệ thống tín hiệu, biển báo, vạch sơn, hệ thống thoát nước đầy đủ. Gần đây nhất, Khu QLGTĐT số 2 đã xử vuốt nối giảm độ dốc đường ngang ở đường ngang Nơ Trang Long tại vị trí Km 1716+366.
THIỆN NHÂN