Đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả

Trong các tháng tới đây, dự báo thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố như nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vốn vay tăng… nên nhiều địa phương đang tích cực triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung cầu và giá cả hàng hóa.

Dự báo giá hàng hóa biến động

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra cuối tháng 3, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, 3 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa tương đối ổn định, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.505.251 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong những tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) đã cùng vào cuộc cung cấp hàng hóa ổn định ra thị trường. Điển hình như dịp cao điểm cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, nhờ sự chung tay của các DN, nhất là DN bình ổn thị trường nên giá cả hàng hóa luôn được giữ ổn định, không có tình trạng tăng giá bất thường.

Hàng hóa được các nhà bán lẻ cam kết bán giá bình ổn

Hàng hóa được các nhà bán lẻ cam kết bán giá bình ổn

Tuy vậy, theo Vụ Thị trường trong nước, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1-2023 đã tăng 4,18% so với cùng kỳ và trong thời gian tới việc kiểm soát CPI dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiều mặt hàng do nhà nước quản lý đã đến thời điểm tăng giá theo lộ trình như giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện… “Thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước. Giá thịt heo xuống thấp ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và việc tái đàn. Nếu tình trạng tái đàn hạn chế, dự báo cuối năm nay sẽ không đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng, tác động đến giá thực phẩm và CPI”, đại diện Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết.

Tiếp tục bình ổn thị trường

Trước dự báo khả năng kiểm soát CPI năm nay sẽ gặp khó khăn, nhiều địa phương, đi đầu là TPHCM đã tích cực triển khai bình ổn thị trường nhằm ổn định giá cả. Thông tin cụ thể về hoạt động bình ổn thị trường năm 2023, Sở Công thương TPHCM cho biết, cuối tháng 3, lãnh đạo UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TPHCM. Chương trình nhằm chủ động, đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; sẵn sàng ứng phó tình huống cấp bách, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Theo Sở Công thương TPHCM, năm 2023, Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã thu hút 44 DN ngành lương thực, thực phẩm; 11 DN tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ học tập. Các hệ thống phân phối lớn đều đăng ký tham gia chương trình của thành phố. Các DN có quy mô lớn như Saigon Co.op, Vinamilk, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, TH, Vinamit… cũng đăng ký tham gia. “Điểm mới khi thực hiện chương trình năm nay là đa số DN cam kết giữ giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng. Theo đó, chương trình bình ổn thị trường khi có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán hàng bình ổn phải trên cơ sở thống nhất của nhiều bên liên quan: DN cung ứng, DN phân phối, cơ quan nhà nước. Việc quy định về công bố các giá bán mới của chương trình dựa trên sự thống nhất của nhiều bên sẽ giúp tạo sự đồng thuận cao, vừa đảm bảo ổn định giá vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý của DN, phù hợp lợi ích của người tiêu dùng”, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM, cho biết.

Là đơn vị luôn đi đầu trong công tác bình ổn thị trường, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra của Saigon Co.op khẳng định tiếp tục tham gia bình ổn thị trường 11 nhóm hàng. Cụ thể, với thực phẩm, Saigon Co.op dự kiến chuẩn bị khoảng 1.270 tấn gạo trắng cho các tháng thường và sẽ tăng lên 1.800 tấn trong tháng cao điểm tết. Tương tự với thịt gia cầm, nhà bán lẻ này dự kiến chuẩn bị 745 tấn trong tháng thường và 975 tấn trong tháng tết; trứng gia cầm khoảng 2,5 triệu quả cho tháng thường và 3,1 triệu quả cho tháng tết… Đáng chú ý, nhà bán lẻ này còn cam kết giảm giá 5%-10% so với giá thị trường đối với nhiều nhóm hàng. Đặc biệt, từ ngày 20-4, Saigon Co.op sẽ triển khai chương trình khuyến mãi mừng sinh nhật hệ thống kéo dài 3 tuần với hàng ngàn mặt hàng được giảm giá sâu.

Để có nguồn hàng ổn định, chất lượng với giá tốt, cuối tháng 3-2023, Saigon Co.op đã tổ chức Hội nghị nhà cung cấp năm 2023. Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, khẳng định, ưu tiên hàng đầu của Saigon Co.op là bắt tay cùng nhà cung cấp thực hiện chia sẻ kế hoạch bán hàng theo quý/tháng giữa 2 bên; tham gia chương trình khuyến mãi lớn; dự báo và cam kết bảo đảm không tăng giá để hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, với sự chủ động nói trên sẽ đảm bảo ổn định được giá cả hàng hóa và đưa nguồn cung hàng hóa dồi dào ra thị trường.

Hàng nhãn riêng Saigon Co.op giảm giá mạnh

Từ ngày 6 đến hết ngày 19-4, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra giảm giá mạnh các sản phẩm hàng nhãn riêng Co.op. Với chủ đề “Lựa chọn tiết kiệm cho mọi nhà”, hàng loạt sản phẩm thiết yếu như nước giặt, bột giặt, giấy vệ sinh, thực phẩm tươi sống… được giảm giá mạnh. Cụ thể, bột giặt Co.op Select hương hoa 9kg giảm từ 269.000 đồng còn 245.000 đồng/bịch; khăn ướt Co.op Happy 20x20 lốc 50 cái từ 16.900 đồng còn 13.900 đồng/lốc; bàn chải đánh răng Co.op Select trắng sáng còn 9.500 đồng/cái; nước lau sàn Co.op Select hương nhài và lily/thảo mộc 4kg còn 55.000 đồng/chai; cà chua trứng Co.op Select còn 35.900 đồng/kg. Ngoài ra, một số sản phẩm thực phẩm như ớt chuông 2 màu Co.op Select giảm còn 59.900 đồng/kg; cải xanh Đà Lạt Co.op Select 450g còn 14.900 đồng/kg; chuối Co.op Select loại 1kg còn 24.900 đồng/kg; gạo lứt đỏ/tím than Co.op Select còn 42.500 đồng/kg…

Tin cùng chuyên mục