Liên quan đến tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (APG) gặp sự cố, chiều 21-6, VNPT cho biết, vào 16 giờ ngày 20-6 đã xảy ra sự cố mất kết nối trên tuyến cáp quang biển APG từ Đà Nẵng đi các hướng quốc tế (Mỹ, Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), làm ảnh hưởng đến tốc độ kết nối Internet quốc tế tại một số giờ cao điểm.
Hiện nay, VNPT đang phối hợp với các đối tác quốc tế để xác minh nguyên nhân sự cố và có kế hoạch cụ thể về việc xử lý lỗi, khắc phục tình trạng sớm nhất có thể. Đại diện VNPT cho biết đã chủ động định tuyến các kênh của khách hàng bị ảnh hưởng sang các tuyến cáp quang biển quốc tế khác là SMW-3, AAG và tuyến CSC (cáp chạy trên đất liền).
Trong khi đó, Viettel cho biết, vị trí, nguyên nhân và thời gian khắc phục chính xác của sự cố vẫn chưa được xác định. Viettel cho biết các khách hàng của Viettel không bị ảnh hưởng bởi sự cố này, bởi dung lượng dự phòng trên các tuyến cáp quốc tế khác của Viettel vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Dù không ảnh hưởng nhưng Viettel vẫn theo dõi và đã chuẩn bị các giải pháp sẵn sàng đảm bảo dịch vụ trong trường hợp xảy ra các sự cố trên các hướng kết nối quốc tế khác. Ngoài tuyến cáp biển APG, Viettel hiện sử dụng nhiều hướng kết nối đi quốc tế khác gồm 2 hướng cáp quang biển AAG, IA và các hướng đất liền qua Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan. Thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đưa vào quản lý và khai thác thêm tuyến cáp biển AAE-1 kết nối các nước châu Á - châu Phi và châu Âu với chiều dài 25.000km và dung lượng thiết kế 40Tbps.
Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành từ tháng 12-2016. APG có sự tham gia đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp viễn thông quốc tế, trong đó các nhà mạng Việt Nam, gồm: VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom. APG được nhận định sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet Việt Nam, nhưng trong 2 năm qua, tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố. Với tổng chiều dài khoảng 10.400km, APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54Tbps và con số này mang lại tốc độ Internet nhanh hơn khoảng gần 20 lần nếu so với AAG.