Cuối năm, nhiều đôi lứa yêu nhau tổ chức lễ cưới. Với các bạn trẻ có điều kiện thu nhập khá, khi tổ chức lễ cưới phải làm sao thật trang trọng, trọn vẹn, thậm chí xa hoa, lộng lẫy. Nhưng với các công nhân xa quê đang làm việc tại TPHCM, tổ chức một buổi tiệc đơn sơ mừng ngày hạnh phúc cũng là việc quá khả năng, với trăm nỗi lo toan.
Buồn vui ngày hạnh phúc
Trên đoạn quốc lộ 1A gần KCN Sóng Thần dài hơn 1km có hàng chục nhà hàng nằm san sát nhau. Nơi đây thường được các công nhân chọn đặt tiệc cưới do giá cả bình dân hơn các nơi khác. Vào ngày thường, các nhà hàng này vắng khách, nhưng trong 2 ngày cuối tuần, các nhà hàng đều sáng đèn, nhộn nhịp tiệc cưới. Mỗi nhà hàng thường diễn ra một lượt từ 5 đến 10 tiệc cưới, do mỗi tiệc chỉ đặt không nhiều bàn. Có nhiều tiệc cưới chung trong một gian phòng lớn, nên các nhà hàng thường phải trải khăn bàn màu riêng cho mỗi tiệc cưới để các khách mời phân biệt, không ngồi nhầm sang bàn của đám cưới khác.
Các tiệc cưới của công nhân thường rất đơn sơ nhưng rất vui, bởi phần lớn khách mời là các công nhân trẻ. Trước cổng nhà hàng, các đôi tân lang - tân nương đứng xếp hàng ngang đón khách. Ở bãi giữ xe của các nhà hàng này, khách đi tiệc cưới gửi xe đạp nhiều hơn xe máy. Nhiều công nhân trong KCN Sóng Thần diện đồ đẹp đi xe buýt hoặc tập hợp thành từng tốp đi xe đạp ngay hàng thẳng lối kéo đến nhà hàng như đi diễu hành.
Đôi vợ chồng trẻ Thanh và Tuyền cùng làm việc tại KCX Tân Thuận vừa trải qua nhiều nỗi lo toan để tổ chức được đám cưới. Anh Thanh kể lại kỷ niệm không suôn sẻ trong ngày cưới: “Hôm tổ chức tiệc cưới lại nhằm ngày Tuyền tăng ca, phải làm đến 18 giờ. Chúng tôi phải chuẩn bị phương án chỉ mình tôi đến cổng nhà hàng đón khách; ngay sau khi tan ca Tuyền sẽ vẫn mặc áo công nhân chạy vội vã đến nhà hàng để khẩn trương thay đồ, trang điểm. Thế nhưng quá 19 giờ vẫn chưa thấy cô dâu đâu, bạn bè ngạc nhiên hỏi tôi có gặp sự cố gì giờ chót không, có hoãn tổ chức tiệc cưới không. Đã vậy, trời còn đổ mưa nên mới có lác đác khách đến, làm ruột gan tôi như lửa đốt. May mà Tuyền cũng kịp sửa soạn xong, tất tả chạy đến nơi, buổi tiệc mừng ngày hạnh phúc vẫn được diễn ra, dù hơi muộn. Công nhân tổ chức đám cưới, tội nghiệp vậy đó, lo nhiều hơn vui”.
Mà thật vậy, để tổ chức được đám cưới công nhân, từ chú rể - cô dâu, đến bạn bè, đồng nghiệp và cả chủ nhà hàng đều phải lo lắng, nhưng nỗi lo khác nhau. Đôi uyên ương thường phải chọn ngày tổ chức đám cưới vào đầu tháng, để lãnh thêm được chút ít tiền lương trang trải chi phí và cũng để các đồng nghiệp có tiền mừng cưới. Ngày mời tiệc cũng phải là chủ nhật không phải tăng ca, để đồng nghiệp có thể tham dự đông đủ. Tuy vậy, nhiều khi cô dâu - chú rể tính không bằng… công ty tính, vì có khi cận ngày cưới thì công ty thông báo tăng ca đột xuất đúng ngày cưới như trường hợp của chị Tuyền.
Không chỉ đôi uyên ương lo mà ngay cả các đồng nghiệp công nhân cũng thấp thỏm lo khi thấy bạn bè chuẩn bị đám cưới, làm sao để gửi tiền mừng “coi được” trong tình cảnh phải dè sẻn chi tiêu vì đồng lương ít ỏi bị thâm hụt. Nếu được mời dự tiệc cưới trước ngày lãnh lương, phải “méo mặt” xoay xở vay tiền đi đám cưới. Còn chủ nhà hàng tổ chức tiệc cưới công nhân cũng rất hồi hộp, vì nhận tiền cọc của đôi uyên ương chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng, nếu như khách mời không đến đông đủ thì chú rể - cô dâu đành bùi ngùi xin chịu nợ, mà thu hồi đủ số nợ cũng thật khó.
Giản dị nhưng hạnh phúc
Nhiều đôi uyên ương cùng làm công nhân, sống trong thời giá cả leo thang đã là gian khó, nên không dám đặt tiệc cưới tại nhà hàng, dù là nhà hàng bình dân. Các bạn tự nấu nướng món ăn, mượn sân chung của khu nhà trọ để tổ chức tiệc cưới. Nguyễn Kim Nga từ miền núi Tây Bắc xa xôi vào KCX Tân Thuận làm công nhân, chồng cũng là công nhân, thu nhập ít ỏi, nên ngày cưới Nga không thể mời gia đình vào dự, cũng không đặt tiệc nhà hàng, chỉ mượn sân trong khu nhà trọ ở quận 7 tổ chức tiệc. Vậy mà tiệc cưới lại diễn ra rất vui. Từ sáng tinh mơ ngày chủ nhật, công nhân cả dãy trọ đều đến phụ giúp nấu nướng. Ngày hạnh phúc diễn ra trong không khí giản dị nhưng thật ấm cúng.
Với mong muốn đồng hành cùng công nhân, đồng thời tuyên truyền nếp sống văn hóa trong việc cưới hỏi, những năm gần đây, vào mùa cưới, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM có tổ chức lễ cưới tập thể cho các thanh niên công nhân không có điều kiện tổ chức tiệc cưới. Được biết, năm nay lễ cưới tập thể sẽ được tổ chức thật ấn tượng vào ngày 12-12-2012 cho 120 đôi uyên ương. Đây là lễ cưới có số lượng đôi uyên ương tham gia lớn nhất nước ta từ trước đến nay.
Anh Huỳnh Ngô Tịnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM, cho biết ngoài việc được tổ chức lễ cưới tập thể, các đôi uyên ương còn được tham dự một chương trình huấn luyện các kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, như: lập kế hoạch chi tiêu tài chính gia đình, nuôi dạy con trẻ, xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình…; đồng thời còn được tham gia chương trình city tour miễn phí. Mong sao có thêm nhiều lễ cưới tập thể như vậy để thiết thực, hỗ trợ phần nào cho các bạn trẻ công nhân khắc phục cảnh khó, xây dựng được mái ấm gia đình.
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM cho biết, các bạn trẻ đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện đều có thể đăng ký để được giúp tổ chức lễ cưới tập thể. Thời hạn tiếp nhận đăng ký đến hết ngày 12-11-2012. Địa chỉ đăng ký tại các văn phòng của Trung tâm: Văn phòng 1: Đường số 13, KCX Linh Trung 1 (Thủ Đức, TPHCM) ĐT: (08) 22 451 384; Văn phòng 2: Đường số 01, KCN Vĩnh Lộc (Bình Tân, TPHCM) ĐT: (08) 22 275 220; Văn phòng 3: 822 Hậu Giang, (quận 6, TPHCM) ĐT: (08) 22 238 714.
HẢI THANH