“Nóng”, “kịp thời” - đó là nhận xét của nhiều người khi nói về những nội dung được đưa ra chất vấn tại kỳ họp vừa qua của HĐND TPHCM. Công bằng mà nói, những vấn đề dân sinh gắn bó với hàng triệu người dân thành phố đã được “điểm mặt chỉ tên” từ chuyện nâng đường, học thêm dạy thêm, vệ sinh thực phẩm…
Tuy nhiên, điều mà nhiều người chưa hài lòng chính là thái độ rề rà, chậm trễ trong việc giải quyết những bức xúc người dân của một số ngành chức năng. Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường có lẽ là người được “quan tâm” với nhiều câu hỏi liên quan về vấn đề nâng đường Kinh Dương Vương. Không quan tâm sao được khi chuyện nâng đường này đã kéo dài mấy tháng trời, báo chí tốn nhiều giấy mực, thậm chí đích thân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã mục sở thị và chỉ đạo quyết liệt để gỡ khó cho dân và dư luận những tưởng đến nay mọi việc đã được giải quyết. Ấy vậy mà… trong phần trả lời, ông Cường đã thừa nhận “nguyên nhân là do triển khai chậm”. Ngay cả việc hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng “cũng sẽ tích cực xúc tiến”. Dù cách trả lời rất “tích cực, quyết liệt” nhưng người dân vẫn còn lo lắng bởi những từ mang thì tương lai như “cũng” “sẽ”…. Nếu là người cư ngụ ở con đường này, chắc hẳn các quan chức ngành giao thông sẽ hiểu và làm nhanh hơn để người dân bớt cực với cảnh “chui ra chui vào”, một chiếc xe gắn máy mà ngày nào cả chồng lẫn vợ phải gồng sức để dắt vào đẩy ra, nhất là những ngày mưa nắng bất thường như hiện nay.
Đường Kinh Dương Vương được nâng quá cao gây bức xúc cho người dân, hiện đang được điều chỉnh lại. Ảnh: Quang Khoa
Đó còn là chuyện đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (huyện Cần Giờ) “kêu trời” về chuyện khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về thăm xã đảo Thạnh An đã chỉ đạo năm học 2016-2017 phải mở lớp 10 và tiến tới mở trường cấp 3 tại đây, không để các cháu ngày ngày phải đi vào đất liền để học. Sau đó, vào tháng 6, huyện đã có công văn gửi thành phố xin kinh phí sửa chữa một phòng học và nhà vệ sinh tại Trường THCS Thạnh An nhằm thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Các sở, ngành chức năng đã đến Thạnh An thị sát, đánh giá và hứa sẽ cấp 13 tỷ đồng cho huyện để sửa chữa phòng học, trong đó có 500 triệu đồng cho Thạnh An. Nghe tin, lòng khấp khởi, ấy vậy mà đến khi bà Cẩm đăng đàn phát biểu tại kỳ họp thì ai nấy mới biết đến giờ huyện chưa nhận được đồng nào, trong khi năm học mới đã cận kề. “Kẹt” ở khâu nào? Sau cuộc họp này, nếu nhanh nhất một tuần sau huyện sẽ nhận được kinh phí, phải chăng người ta phải chạy đua với thời gian và liệu việc gấp gáp sửa chữa có đảm bảo được chất lượng? Hay là các cháu sẽ tiếp tục ngày ngày lên xuống đò, qua bên kia Cần Thạnh tìm con chữ. Chẳng trách, như lời Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng “khóa trước ngành giao thông và trung tâm chống ngập khẳng định năm 2016 thi công hoàn tất các hồ điều tiết nhưng đến nay vẫn chưa khởi công hồ điều tiết nào”. Đó là bệnh nói mà không làm, trên bảo dưới không nghe, còn dân gian gọi đây là “dân cần nhưng quan chưa vội”.
Cải cách thủ tục hành chính, quy trình, quy định… mọi cái đều có đầy đủ, được nhắc đến trong tất cả giấy tờ, công văn, vậy tại sao vẫn không chạy việc, kể cả khi đã có sự chỉ đạo, nhắc nhở từ người lãnh đạo cao nhất của thành phố? Trả lời cử tri Hải Phòng tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định phải “xóa bỏ con đường dài nhất là từ lời nói đến việc làm”. Ý người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cán bộ phải nói đi đôi với làm, với hành động. Muốn xóa bỏ căn bệnh này, cái tâm của người cán bộ là cần thiết, lấy việc dân là việc của mình, đau đáu với bức xúc của dân. Thử hỏi lãnh đạo ngành GTVT đã bao nhiêu lần có mặt tại đường Kinh Dương Vương vào những ngày mưa to gió lớn để hiểu và chia sẻ với người dân trong cảnh lội bì bõm để sau đó có những giải pháp cấp bách cho dân? Điều nữa, để xóa bỏ “con đường dài nhất”, biện pháp chế tài trách nhiệm sẽ góp phần rút ngắn “con đường” - tức xác định rõ địa chỉ trách nhiệm, trong đó trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo. Lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư rồi cả Sở Giáo dục - Đào tạo… đều đã về Thạnh An thẩm định, xem xét nhưng giờ sắp khai giảng mà tiền vẫn chưa có. Đang “kẹt” ở sở nào? Cần làm rõ trách nhiệm, ắt hẳn mọi chuyện sẽ hanh thông.
Tránh cách nói chung chung, huề cả làng mà cần đến “thượng phương bảo kiếm” - biện pháp chế tài trách nhiệm cá nhân mới mong xóa được “con đường dài nhất”, mới chấm dứt cảnh “dân cần, dân chờ” mà kỳ họp HĐND nào cũng nóng bỏng chuyện chất vấn…
THƯ LÊ