Từ ban đầu chỉ có 6 nước (Đức, Bỉ, Pháp, Italia, Luxembourg, Hà Lan) lập thành khối có tên gọi Cộng đồng than và thép châu Âu năm 1951, Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua 6 lần mở rộng vào các năm 1973, 1981, 1986, 1995, 2004 và 2007. Hai lần gần đây nhất, ngày 1-5-2004, EU chào đón thêm 10 quốc gia thành viên đến từ Đông Âu. Ngày 1-1-2007, công cuộc mở rộng về phía Đông mới nhất của EU đã kết nạp thêm hai thành viên mới là Bulgaria và Romania. Hiện, EU có 27 quốc gia thành viên với dân số 500 triệu người, diện tích đất cũng tăng thêm 1/4 so với trước đây.
5 năm sau ngày đầu tiên “Đông tiến”, báo cáo của Ủy ban châu Âu nêu rõ: “Về mặt kinh tế, việc mở rộng làm tăng các tiêu chuẩn sống ở những quốc gia thành viên mới, trong khi tạo ra các cơ hội xuất khẩu và đầu tư cho những nước thành viên cũ; giúp củng cố dân chủ, ổn định và an ninh tại châu lục... 5 năm qua, EU không chỉ lớn hơn mà còn mạnh hơn, năng động hơn và giàu văn hóa hơn”. GDP của EU chiếm hơn 30% GDP trên thế giới và hơn 17% thương mại thế giới. Thu nhập của người dân các nước thành viên mới tăng trung bình 40%, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2004-2008 là 5,5% trong khi giai đoạn 1999-2003 là 3,5%.
Báo cáo thì như vậy, nhưng còn thực tế? Khoảng cách giàu nghèo giữa thành viên mới và thành viên cũ, hiểu lầm, thiếu quan điểm chung về vấn đề hướng đi của châu Âu vẫn tồn tại. Sự hòa nhập nhanh chóng đã thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, trong nhiều quốc gia thành viên mới, tình trạng tổn thương do không ứng phó kịp thời với áp lực đã diễn ra và nay càng bị khoét sâu thêm do khủng hoảng tài chính thế giới.
Khủng hoảng lần này đã “giáng đòn mạnh” tới hệ thống tiền tệ của các quốc gia Trung và Đông Âu, những nước vốn có nền tảng kinh tế còn yếu với nhiều khiếm khuyết, dẫn tới nhiều hệ lụy như: các khoản nợ nước ngoài không ngừng tăng cao, thuế đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, tỷ giá hối đoái dao động, tăng trưởng GDP sụt giảm, nạn thất nghiệp bùng phát….
Tâm lý lo sợ đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài bán tống cổ phiếu và chạy về các thị trường an toàn hơn, gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán, tiền tệ và tình trạng nợ của các nước. Đến mức ngày 1-3 tới đây, các nhà lãnh đạo EU sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh “khẩn” ở Brussels, Bỉ để bàn về cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra tại các nước Đông Âu.
Có thể nói tiến trình mở rộng về phía Đông là chiến dịch mở rộng quan trọng nhất trong lịch sử EU, tạo nên cột mốc quan trọng trong quá trình thống nhất châu Âu sau nhiều thập kỷ chiến tranh lạnh. 5 năm qua, tiến bộ trong EU có nhiều nhưng khuyết điểm không phải không có. Sự khác biệt về trình độ phát triển có thể là nhân tố quan trọng nhất.
Các nhà hoạch định chính sách của EU sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo sao cho cuộc khủng hoảng hiện nay không xóa nhòa mọi tiến bộ đã thực hiện được cho đến thời điểm này; để điều phối hợp lý các nền kinh tế giữa các nước thành viên…, để chứng minh cho thế giới rằng “EU mới” là một khối thống nhất chứ không phải là một tổ chức hỗn hợp, được điều hành bởi những công cụ mới, hiện đại và hiệu quả.
LÊ VÂN