Dành 90.260 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh bền vững

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 đã thu gọn, giảm từ 5 dự án (15 tiểu dự án) xuống còn 4 dự án với 11 tiểu dự án.  
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều 13-7, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo và An sinh bền vững giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước.

Theo đó, không đưa các dự án thuộc các nhiệm vụ thường xuyên vào Chương trình. Chủ trương đầu tư CTMTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng đã thu gọn, giảm từ 5 dự án (15 tiểu dự án) xuống còn 4 dự án với 11 tiểu dự án. Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện Chủ trương đầu tư CTMTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Tờ trình số 567/TTr-CP ngày 28 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ) được điều chỉnh giảm từ 102.815 tỷ đồng xuống còn 90.260 tỷ đồng.

Nội dung Chủ trương đầu tư CTMTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 được rà soát, phân định về đối tượng, phạm vi, nội dung không trùng lặp với nội dung CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và nội dung Chủ trương đầu tư CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người cai nghiện; người học nghề, người lao động, giáo viên, cán bộ quản lý… và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cơ quan có liên quan.

Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 cũng đã được xác định rõ. Theo đó, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật giảm nghèo.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60%.

Bên cạnh đó, dự kiến tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát dưới 3%; tỷ lệ thiếu việc làm dưới 1,89%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội là 45%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 35%.  Số người được hỗ trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng: 3,5% dân số; số người được hỗ trợ xã hội đột xuất: 100% người gặp khó khăn; tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội: 10% dân số. Tỷ lệ người sử dụng, người nghiện ma túy được quản lý, tiếp cận các dịch vụ về dự phòng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy: 90%.

Tin cùng chuyên mục