Đánh giá toàn diện việc sử dụng vốn ODA, tránh lãng phí, tạo gánh nặng về nợ công

Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý về tình trạng thực hiện, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành và đưa vào khai thác đúng thời hạn dự kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC

Triển khai Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ. Tổng kế hoạch đầu tư công hàng năm (từ năm 2021 đến năm 2023) được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cung cấp tại phiên họp toàn thể cuối chiều 23-10 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Giai đoạn tới, Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách Nhà nước bố trí kế hoạch năm 2024, 2025 đáp ứng nhu cầu còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh ghi nhận, qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 29/2021/QH15 đặt ra, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua vào tháng 7-2021, sớm hơn gần 1 năm so với giai đoạn 2016-2020, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Thể chế về đầu tư công cũng tiếp tục được hoàn thiện. Trong quá trình chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công hàng năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế.

Đại biểu dự họp

Đại biểu dự họp

Mặc dù vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý về tình trạng thực hiện, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành và đưa vào khai thác đúng thời hạn dự kiến.

“Một số trường hợp phát sinh thêm phí cam kết làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Đề nghị Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện về tính hợp lý của việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA, tránh lãng phí, tạo gánh nặng về nợ công trong khi không bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh chỉ rõ.

Về dự kiến thực hiện 2 năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm chậm, cân đối nguồn cho chi đầu tư công không đạt kế hoạch, yêu cầu cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại khá lớn.

Bên cạnh đó, vốn bố trí cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) giải ngân rất thấp, tạo áp lực lớn cho bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện giải ngân vốn.

Tin cùng chuyên mục