Đánh hay đàm?

Cuộc không kích của NATO vào Libya kéo dài đã hơn 4 tháng và chiến thắng không đến tức thì như mong đợi của NATO. Mỗi ngày nó đang ngốn hàng triệu USD của các thành viên tham chiến. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn đang đè nặng lên vai các nước Anh, Mỹ, Ý… cuộc chiến này như một sự trừng phạt nếu những nhà lãnh đạo các nước này thất bại trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Vì lẽ đó, mấy ngày nay các thành viên NATO như Pháp, Anh… và trước đó là Ý liên tục phát đi tín hiệu đàm phán với Chính phủ Libya và bóng gió về việc Tổng thống Gađafi có thể ở lại Libya nếu từ chức. Điều này khác với tuyên bố của NATO khi mới khởi sự chiến dịch không kích Libya: ông Gađafi phải từ chức ngay lập tức và bị đưa ra xét xử với nhiều tội danh.

Không chỉ thế, họ còn vận động Tòa án Hình sự quốc tế ra lệnh truy nã ông Gađafi, Hội đồng Nhân quyền LHQ điều tra các tội ác mà họ cho là ông Gađafi đã gây ra… Có vẻ những thông điệp của NATO chưa lay chuyển Chính phủ Libya nên ngày 27-7, phái viên LHQ Abdul Elah al-Khatib có mặt tại Libya tìm kiếm giải pháp hòa bình để chấm dứt cuộc chiến Libya.

Thế nhưng, trong khi ông Abdul Elah al-Khatib tìm kiếm giải pháp hòa bình thì NATO vẫn tiếp tục không kích vào một bệnh viện và các nhà kho lương thực tại TP Dlitan, phía Đông thủ đô Tripoli, làm 8 thường dân thiệt ma.ng. Ngày 26-7, NATO cảnh báo sẽ tăng gấp đôi các cuộc không kích những cơ sở dân sự gồm các nhà máy, kho hàng và nông trang, vì cho rằng các cơ sở này được sử dụng để chiến đấu chống lại NATO. Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết thủ đô Tripoli đang thiếu rất nhiều các phương tiện y tế; giá cả ngày một cao hơn; người dân đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, điện và đã phải bỏ nhà cửa di tản tránh bom đạn.

Không chỉ vậy, người phát ngôn quân sự NATO, trung tá không quân Mike Bracken, còn tuyên bố “không loại trừ tấn công trong tháng Ramadan của người Hồi giáo” khi chỉ còn một tuần nữa là đến tháng chay Ramadan. Trong khi đó, theo luật bất thành văn, trong tháng chay Ramadan người ta không tiến hành chiến tranh và các mặt trận đều phải tạm ngưng tiếng súng.

Ngày 26-7, Thủ tướng Libya al-Baghdadi Ali al-Mahmoudi tuyên bố Tripoli sẽ không xúc tiến đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột với lực lượng nổi dậy nếu NATO không ngừng các cuộc không kích. Trên thực tế NATO khó chấp nhận điều kiện này bởi ngừng ném bom có nghĩa là thua Chính phủ Libya.

Dư luận hiểu rằng NATO giờ đây khó giành kết quả như mong đợi thông qua chiến dịch không kích và cô lập Libya, nên họ đang muốn vừa ném bom vừa gửi thông điệp tới Libya. Nếu Tripoli đồng ý đàm phán, chấp nhận các điều kiện của NATO khi bom vẫn nổ thì có nghĩa NATO đã khuất phục được Libya bằng bom đạn và các chính phủ thành viên NATO có công để kể trong những cuộc vận động tranh cử sắp tới.

Các thành viên NATO đang oằn mình gánh nặng chi phí chiến tranh. Làm thế nào kết thúc cuộc không kích mà mình đã khơi mào trong danh dự? Đánh tiếp hay đàm phán? Câu hỏi đang làm đau đầu các thành viên NATO.

Xuân Hạnh

Tin cùng chuyên mục