
Trong khi không ít người dân miền Bắc, miền Trung tìm nhiều cách để tránh nóng, như “chui” vào nhà hàng, đi tắm biển… thì có nhiều người do đặc thù công việc, ngày lại ngày vẫn cứ phải “sống chung” với cái nắng nóng oi nồng như lửa táp.
Ở Lục Ngạn (Bắc Giang) sau hơn 3 tuần những lứa vải đẹp đã thu hoạch xong, các chủ vườn đang tập trung đắp lò thủ công để đưa những loạt vải kém sắc, chất lượng thấp, vải rụng vào sấy khô nhằm dự trữ, tiêu thụ dần. Thế nhưng, công việc của cánh thợ sấy vải trong điều kiện khí hậu miền Bắc lên tới 39-40oC thì thực sự là một cuộc “đánh vật” với lửa và nắng nóng.
Tại một khu lò đang nghi ngút khói nằm ở ngã ba Kép thuộc xã Hồng Giang, cách thị trấn Chũ 3km, mặc dù bên ngoài nắng như đổ lửa, khí nóng táp rám mặt người nhưng bên trong các lò sấy vải, cả trăm chàng trai lưng đẫm mồ hôi, da mặt rám khói, vẫn đang mê mải ra vào trên các nắp lò.
Thợ sấy vải là Trịnh Văn Hà, gần 40 tuổi, cho biết anh em đều quê ở tận Thanh Hóa, cứ mỗi năm mùa vải chín lại kéo nhau ra Lục Ngạn sấy vải thuê. Anh bảo, cứ mỗi lò vải hoạt động, cần khoảng 6 - 8 thợ. Trong đó, 4 người chuyên xay than, đánh bùn, phụ trách đốt lò bên dưới. Còn lại khoảng 2 - 4 người làm việc trong lò. Ở trong hay ngoài thì đều cực nhọc như nhau vì lò lúc nào cũng nóng hừng hực. Làm việc liên tục trong điều kiện bình thường đã vất vả nhưng thợ sấy vải ở Lục Ngạn có khi còn phải mắc võng, trải chiếu ngay bên lò lửa để canh cho vải khỏi cháy, bởi lỡ làm hỏng một mẻ là chủ bắt đền, mà ngày công cũng chỉ có 50.000-60.000 đồng/ngày.
Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn, trên toàn địa bàn có khoảng 3.200 lò sấy vải. Do sản lượng vải cần sấy nhiều và lại vất vả nên hầu như các chủ lò đều thuê anh em ở khắp các nơi như Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng… về làm.
Tuy nhiên, nỗi vất vả vì nắng nóng của thợ sấy vải ở Lục Ngạn cũng chưa bằng cảnh làm việc trong điều kiện như ngồi giữa “lò bát quái” của hàng ngàn thợ luyện thép ở các làng Đa Hội (Từ Sơn-Bắc Ninh), Đa Sỹ (Hà Đông-Hà Nội), Vĩnh Lộc (Thạch Thất-Hà Nội) hoặc tương tự là không khí ở làng gốm Phù Lãng (Quế Võ-Bắc Giang), Bát Tràng (Hà Nội)…
Chẳng hạn như ở Đa Hội, nơi mỗi ngày làm ra khoảng 7.000 tấn thép, theo ông Phạm Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Châu Khê - thì do hiện nay thị trường xây dựng đang sôi động trở lại nên không khí sản xuất thép ở Đa Hội cũng đang nóng dần trở lại. Để đủ sản lượng giao theo hợp đồng, cơ sở nào cũng cố gắng tăng ca, giữ ca. Những ngày nắng nóng, rất ít cơ sở dám cho anh em công nhân nghỉ, vẫn phải làm đủ 8 tiếng trong điều kiện vô cùng nóng bỏng. Nhìn các lò đỏ lửa rừng rực, cảm giác như da thịt cũng có thể tan chảy ra như thép. Ở Đa Hội, gương mặt công nhân nào cũng sạm đi vì nắng và lửa.

Diêm dân chia nhau từng ngụm nước cho đỡ khát. Ảnh chụp tại cánh đồng muối xã Bạch Long, Giao Thủy (Nam Định).
Mặc dù làm ra một loại sản phẩm hoàn toàn khác, nhưng những diêm dân ở các vùng biển cũng là những người đang từng ngày phải gánh chịu cái nắng nóng ác liệt. Anh Vũ Đức Viêm, một chủ vựa thu mua muối ở đội 8, xóm Thành Tâm, xã Bạch Long (Giao Thủy-Nam Định) nói: “Do năm nay mưa nhiều quá nên bà con không làm ra được nhiều muối. Bởi thế, cứ hôm nào có nắng lớn là bà con lại phải tranh thủ đổ ra đồng, không dám bỏ”. Để tránh nắng nóng, bà con phải dậy đi làm từ 3-4 giờ sáng. Tuy nhiên, lúc cao điểm nắng nóng là 13-15 giờ chiều thì không thể nào tránh được vì bà con phải thu hoạch muối để cân, giao cho các kho. Trên cánh đồng, nắng như vãi lửa, rát lưng, sém gáy.
VĂN PHÚC HẬU