Đào tạo diễn viên ở các trường văn hóa nghệ thuật: Giảm chất lượng

Hiện nay, nhu cầu giải trí của công chúng ngày càng nhiều, vì thế, “đất dụng võ” dành cho sinh viên chuyên ngành diễn viên sân khấu – điện ảnh cũng rộng mở hơn. Thế nhưng, trong số những sinh viên đã hoặc sắp tốt nghiệp ra trường, không phải ai cũng may mắn có công việc ổn định, đúng sở trường và sớm thành danh. Không ít sinh viên ra trường phải chuyển nghề khác.
Đào tạo diễn viên ở các trường văn hóa nghệ thuật: Giảm chất lượng

Hiện nay, nhu cầu giải trí của công chúng ngày càng nhiều, vì thế, “đất dụng võ” dành cho sinh viên chuyên ngành diễn viên sân khấu – điện ảnh cũng rộng mở hơn. Thế nhưng, trong số những sinh viên đã hoặc sắp tốt nghiệp ra trường, không phải ai cũng may mắn có công việc ổn định, đúng sở trường và sớm thành danh. Không ít sinh viên ra trường phải chuyển nghề khác.

“Tre già nhưng...”

Đào tạo diễn viên ở các trường văn hóa nghệ thuật: Giảm chất lượng ảnh 1

Các sinh viên Khoa diễn viên Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM trong một vở diễn thi tốt nghiệp. Ảnh: ĐỖ HẠNH

Suốt nhiều năm qua, ở TPHCM, hầu hết lực lượng diễn viên sân khấu, điện ảnh, cải lương thành danh trên con đường nghệ thuật đa phần đều xuất thân từ các trường văn hóa nghệ thuật như: Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM), Trường Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) TPHCM.

Chính những mái trường này đã góp phần tạo nên tên tuổi của các NSƯT: Việt Anh, Thành Lộc, Thành Hội, Hồng Vân, Thanh Thanh Tâm; nghệ sĩ Ái Như, Thanh Thủy, Hữu Châu, Công Ninh, Minh Nhí, Phước Sang, Ngọc Trinh… Các thầy cô đã truyền lửa, vun đắp cho các sinh viên nghệ thuật, những nghệ sĩ tương lai, một vốn kiến thức khá vững chắc để có thể đứng vững trên sàn diễn hôm nay.

Đáng quý hơn, sự thành công của các nghệ sĩ tên tuổi này không phải thể hiện qua bề nổi, sự hào nhoáng của ánh hào quang, mà dường như ở mỗi người đều toát lên một điểm chung nhất: lửa nghề luôn bừng cháy và niềm say mê nghệ thuật lúc nào cũng mãnh liệt. Họ luôn tìm tòi học hỏi qua từng trang sách, tự trang bị cho mình vốn kiến thức từ… văn hóa đọc. Do đó, họ vẫn là những ngôi sao, tạo chỗ dựa vững chắc cho các sân khấu luôn sáng đèn.

Có thể nói, sự thành công của các thế hệ nghệ sĩ này cũng là niềm tự hào của những người làm công tác giảng dạy ở các trường văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, “tre già nhưng măng… mọc ít quá”.

Kiến thức nền quá kém

Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ rằng để trở thành một nghệ sĩ không mấy khó khăn, cho nên việc gì phải học nhiều. Vì thế, mới có hiện tượng nhiều thí sinh đến dự thi vào trường văn hóa nghệ thuật, với một kiến thức nền… vô cùng hạn chế.

Ở mùa tuyển sinh 2008 vừa qua, hầu hết thí sinh dự thi vào Khoa Sân khấu của Trường VHNT TPHCM đều trả lời hết sức ngô nghê trước các câu hỏi về những kiến thức văn hóa, lịch sử của hội đồng tuyển sinh.

Trước “chất lượng” thí sinh như thế, thử hỏi nếu được tuyển chọn, “diễn viên tương lai” sẽ thế nào? NSƯT Thành Hội, Phó trưởng Khoa Sân khấu Trường VHNT TPHCM, cho biết: “Khi tuyển chọn những nghệ sĩ cho sân khấu tương lai, ngoài sắc vóc… chúng tôi luôn chú trọng đến vốn kiến thức nền, đặc biệt là kiến thức về lịch sử của thí sinh. Nhưng từ trước đến nay, chỉ có một em là trả lời tương đối lưu loát về lịch sử, còn lại hầu hết đều trả lời… trật lất!”.

Đạo diễn Ái Như, thành viên hội đồng tuyển sinh của trường, cho biết thêm: “Lâu nay, trường này chỉ được tuyển các thí sinh có hộ khẩu ở TPHCM, số lượng dự thi cũng ít. Giá như được mở rộng địa bàn, có nhiều thí sinh tuyển chọn thì “đầu vào” cũng đỡ hơn…”. Bên cạnh đó, ở Trường VHNT TPHCM còn có một nỗi lo là, cơ sở vật chất quá cũ kỹ, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy…

Riêng ở Trường Cao đẳng SK - ĐA TPHCM hiện nay, “đầu vào” của thí sinh và cơ sở vật chất không còn là nỗi lo lắng. Nhưng thay vào đó là nỗi trăn trở về đội ngũ thầy cô giáo, chương trình giảng dạy còn lạc hậu, thời gian phân bổ giữa học lý thuyết và thực hành… chưa bắt kịp với đòi hỏi nâng cao chất lượng giảng dạy. Như ở Khoa Kịch hát dân tộc của trường hiện nay, đội ngũ giáo viên có tay nghề thực sự (được chứng minh qua công việc cụ thể trên sân khấu) đảm nhận công tác giảng dạy bị thiếu hụt.

Nếu tình hình này cứ kéo dài, liệu rồi đây, chất lượng đào tạo diễn viên cải lương của chúng ta sẽ ra sao?

Tương lai có đổi thay?

Cũng theo NSƯT Thành Hội trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM, Sở VH-TT-DL, nhà trường đã kiến nghị cho phép thời gian tới được mở rộng địa bàn tuyển sinh. NSƯT Thành Hội cũng cho biết thêm, nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo diễn viên thì vấn đề đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cũng là nhu cầu cấp thiết, cần được quan tâm.

Còn đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, cho rằng, lâu nay đa phần các trường đều đào tạo theo những gì hiện có chứ không theo nhu cầu sử dụng của các đơn vị nghệ thuật, nhà sản xuất phim ảnh. Hầu hết sinh viên đều học lý thuyết quá nhiều, thực hành lại ít. Cho nên phần lớn sinh viên sau khi ra trường, rất vất vả tìm việc làm. Các trường nên tổ chức những cuộc gặp gỡ với các đơn vị, nhà sản xuất xem nhu cầu hiện nay thế nào để kịp thời đổi mới cách thức giảng dạy, có chất lượng nhất.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Công Ninh, Trưởng khoa Diễn viên Trường Cao đẳng SK - ĐA TPHCM: “Với những tài liệu, giáo trình giảng dạy và đội ngũ thầy cô giáo hiện nay, tôi nghĩ hoàn toàn đủ sức đào tạo ra các diễn viên có nghề. Vấn đề là các em có chịu học hay không”.

Rõ ràng vấn đề đào tạo diễn viên ở các trường văn hóa nghệ thuật đã đến lúc cần được đem ra bàn thảo. Và những gì còn hạn chế nêu trên cho thấy chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm trong tương lai, mới mong mai này có được những sinh viên giỏi – những nghệ sĩ tài năng trong tương lai.

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục