Hơn 8 tháng đã trôi qua kể từ thỏa thuận lịch sử về khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên hiệp quốc (LHQ) ở Paris (Pháp), việc thực thi các cam kết dường như diễn ra chậm hơn so với mong đợi diễn ra. Cho đến nay, mới chỉ có 23 quốc gia với lượng khí thải chiếm 1% tổng lượng toàn cầu đã ký thỏa thuận.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra trong 2 ngày (4 và 5-9 tới), một nhóm 130 nhà đầu tư lớn, quản lý tổng cộng hơn 13.000 tỷ USD cổ phiếu, đã gửi thư ngỏ đến G20, yêu cầu ký kết thỏa thuận ngay trong năm nay và có các biện pháp cụ thể để chuyển nhanh sang kinh tế “xanh”. Đối với các nhà đầu tư trên, công việc quan trọng hàng đầu phải làm là xác định sớm thuế carbon, biện pháp cho phép huy động nhanh chóng được nguồn tài chính ở quy mô đủ lớn, tương xứng với các thách thức do khí hậu bất ổn.
Ngày càng nhiều thông tin báo động về biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới giới đầu tư. Lần đầu tiên, một khảo sát chỉ ra việc Trái đất bị hâm nóng gây thiệt hại lớn cho cổ đông. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change xuất bản hồi tháng 4-2016, nếu Trái đất nóng lên quá 2,50C, 2.500 tỷ USD cổ phiếu bị đe dọa. Nhiệt độ tăng cao có thể gây thiệt hại tới 24.000 tỷ USD. Trong khi đó, các nước đang phát triển vốn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế sẽ phải dành khoản ngân sách không nhỏ cho lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo một báo cáo của Cơ quan phát triển LHQ (UNDP), các nước này sẽ phải tốn từ 140 - 300 tỷ USD/năm từ đây đến năm 2030, và tăng gấp 4-5 lần so với các dự báo trước.
Cuối tháng 4-2016, Cơ quan Môi trường LHQ (UNEP) cho hay việc Trái đất nóng lên hơn 20C sẽ làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD/năm, cùng với việc 10% số giờ làm việc bị sụt giảm, đặc biệt tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đấy là chưa kể các thiệt hại do ảnh hưởng vô cùng lớn và khó lường đến sức khỏe của người lao động. Còn năm ngoái, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng điều chỉnh mức trợ giá cho các loại năng lượng hóa thạch lên đến 5.500 tỷ USD/năm so với ước tính 1.900 tỷ năm 2014, do việc đưa thêm vào giá này các ảnh hưởng của việc sử dụng năng lượng hóa thạch đến môi trường và sức khỏe con người.
Các siêu bão xuất hiện ngày một nhiều gây thiệt hại lớn về người và của trên thế giới
Những cơn bão với sức phá hủy lớn xuất hiện ngày một nhiều, hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan... đang de dọa sự tồn vong của loài người. Khí hậu biến đổi có một phần tác động không nhỏ từ các hoạt động sản xuất kinh tế của con người. Đầu tư cho các năng lượng tái tạo không chỉ là lối thoát cho môi trường, mà cũng là một lĩnh vực hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.
Theo một số liệu công bố tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, các nước đang phát triển vượt các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh, với tổng số vốn đầu tư là 285,9 tỷ USD trong năm 2015. Giá của các năng lượng tái tạo nhanh chóng hạ xuống mức rất thấp. Phát triển kinh tế xanh đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư và trên hết là để bảo vệ môi trường, là đáp lời kêu cứu của Mẹ Trái đất.
MINH CHÂU