Tiếp công dân là làm cầu nối giữa người dân với người giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC) và cũng chính là kiểm định hiệu quả của việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật KN-TC đến địa bàn phường, xã theo Đề án 1-1133. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng ban Tiếp dân Trung ương, xung quanh vấn đề này.
° PHÓNG VIÊN: Là người phụ trách Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại TPHCM, ông đánh giá thế nào về tác động của việc triển khai thực hiện Đề án 1-1133 tại TPHCM trong thời gian qua?
- Ông NGUYỄN VĂN HÒA: Trong 9 tháng đầu năm 2016, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại TPHCM đã tiếp 2.435 lượt người, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Có 624 vụ công dân đến trình bày KN-TC, giảm 30% so với năm trước. Đối với đoàn KN-TC đông người, Trụ sở tiếp 70 lượt đoàn (trong số đó có 13 lượt đoàn ngụ tại TPHCM), đã giảm 20 lượt đoàn so với năm trước. Thái độ, cách ứng xử của người dân khi đến KN-TC cũng đã có chuyển biến, cho thấy trình độ, kiến thức pháp luật về KN-TC của đại đa số người dân đã được nâng cao. Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện của người dân vẫn diễn ra rất phức tạp, có nhiều đoàn KN-TC đông người xuất phát từ việc KN không đạt mục đích, chuyển sang TC người giải quyết KN với thái độ gay gắt, bức xúc, gây mất trật tự.
° Người dân TPHCM đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để KN-TC nội dung gì nhiều nhất, thưa ông?
- Chủ yếu về lĩnh vực đất đai, chiếm trên 56% số vụ KN. Đa số những vụ việc cũ đã được các bộ, ngành chức năng liên quan kiểm tra, rà soát, kết luận, nhưng người KN chưa đồng ý, tiếp tục KN. Ở TPHCM, với sự quyết tâm và phối hợp của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền pháp luật KN-TC cho người dân và tổ chức tiếp công dân, giải quyết KN-TC khá tốt, nên đã thu hẹp dần các điểm nóng về KN lâu năm, KN đông người. Một số vụ việc KN gay gắt như giải tỏa, đền bù ở đô thị mới Thủ Thiêm, xa lộ Hà Nội… đã cơ bản được giải quyết.
Cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại chia sẻ, trân trọng lắng nghe ý kiến của người dân
° Qua thực tiễn công tác, ông nhận thấy cán bộ tiếp công dân, giải quyết KN-TC cần có phẩm chất gì?
- Cán bộ tiếp công dân, giải quyết KN-TC cần phải trang bị vững vàng kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống để đưa ra quyết định giải quyết đúng pháp luật, hợp tình nhất. Đề án 1-1133 được triển khai đã thiết thực củng cố, nâng cao kiến thức pháp luật của cán bộ tiếp dân, giải quyết KN-TC, rất hữu ích với cán bộ cấp phường, xã. Bất kỳ trong trường hợp nào, khi tiếp xúc với người KN-TC, cán bộ tiếp công dân, giải quyết KN-TC phải đặt mình vào vị trí của người dân mới giải quyết tốt sự vụ. Người dân tìm đến văn phòng tiếp công dân không chỉ gửi đơn KN-TC, mà còn tình bày tâm tư, nguyện vọng. Vì thế, cán bộ tiếp công dân, giải quyết KN-TC phải có năng lực hiểu biết pháp luật để xử lý công việc, đồng thời phải biết chia sẻ, trân trọng lắng nghe ý kiến của người dân.
° Theo ông, còn những hạn chế, bất cập gì trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật KN-TC và tiếp công dân, giải quyết KN-TC hiện nay?
- Luật Tiếp công dân, Luật KN và Luật Tố cáo đã được tuyên truyền phổ biến đến cán bộ cơ sở và người dân ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện nghiêm chỉnh quy trình, thủ tục tiếp công dân, giải quyết KN-TC. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật KN-TC ở nhiều nơi vẫn chưa sâu rộng đến người dân, nên vẫn có những trường hợp người dân hiểu và thực hiện không đúng quyền KN-TC, như KN vượt cấp; KN không được giải quyết theo đúng ý muốn thì chuyển sang TC; đưa ra đòi hỏi quá đáng, phi lý... Từ đó các phần tử xấu có cơ hội nói xấu chính quyền, xuyên tạc sự thật, tung tin thất thiệt gây mất lòng tin trong nhân dân. Để khắc phục mặt hạn chế này, cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiếp công dân với các cơ quan dân vận, công an để không xảy ra mất trật tự. Biện pháp căn cơ, lâu dài vẫn là tuyên truyền, vận động nâng cao kiến thức pháp luật KN-TC cho người dân cũng như cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KN-TC.
TRẦN YÊN