Dấu ấn người trẻ trên văn đàn trẻ

Hai tác giả trẻ nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho hai lĩnh vực vốn thường thuộc về các bậc cao niên là lý luận phê bình và dịch thuật. Một nhà nghiên cứu trẻ viết sách về một đề tài hiếm ai thực hiện rồi dịch sách sử kinh điển; những cây bút trẻ làm mưa làm gió trên thị trường sách giải trí... Không có gì lạ khi nhận định những người trẻ đã và đang đặt dấu ấn của họ trên văn đàn trong nước.
Dấu ấn người trẻ trên văn đàn trẻ

Hai tác giả trẻ nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho hai lĩnh vực vốn thường thuộc về các bậc cao niên là lý luận phê bình và dịch thuật. Một nhà nghiên cứu trẻ viết sách về một đề tài hiếm ai thực hiện rồi dịch sách sử kinh điển; những cây bút trẻ làm mưa làm gió trên thị trường sách giải trí... Không có gì lạ khi nhận định những người trẻ đã và đang đặt dấu ấn của họ trên văn đàn trong nước.

Nhà phê bình và dịch giả 8x

Ngay khi Hội Nhà văn Hà Nội công bố giải thưởng của hội ở hạng mục Lý luận phê bình dành cho tác giả Đoàn Ánh Dương (sinh năm 1984) với tác phẩm phê bình Không gian văn hóa đương đại đã gây bất ngờ cho nhiều người. Bất ngờ vì các bài phê bình trong tác phẩm được viết trong khoảng 5 năm trở lại đây, nghĩa là viết khi tác giả mới chỉ 25 tuổi.

Thế nhưng, dù còn rất trẻ so với vai trò một nhà phê bình nhưng theo đánh giá của ban tổ chức giải, qua các tác phẩm có thể thấy tác giả là một nhà phê bình được đào tạo bài bản, có hướng nghiên cứu rõ ràng về văn học đương đại, đã tiếp thu những kiến thức phê bình mới của thế giới để phân tích đời sống văn học Việt Nam.

Ví dụ như khi xem xét tác phẩm Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Ánh Dương đã sử dụng lý thuyết hậu thực dân (ra đời đầu thập niên 90 của thế kỷ 20) để giải mã tác phẩm; dùng lý thuyết chấn thương để phân tích tác phẩm của Bảo Ninh; thi pháp học để nghiên cứu thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái; lý thuyết môi trường và nhân tính để nghiên cứu truyện Nguyễn Ngọc Tư… Đoàn Ánh Dương có thể xem là đại diện cho thế hệ các nhà phê bình mới hiện nay.

Bạn đọc giao lưu với nhà văn trẻ.

Dịch giả Nham Hoa sinh năm 1982 đoạt giải thưởng dịch thuật với tác phẩm Những đứa con của nửa đêm (tác giả Salman Rushdie). Đây được xem là một tác phẩm khó, đầy phức tạp, do có nhiều yếu tố liên quan đến kiến thức về văn hóa, xã hội và tư tưởng của Ấn Độ. Tác phẩm này từng đoạt giải thưởng Man Booker. Chính vì thế, tác phẩm đòi hỏi dịch giả không chỉ am hiểu về ngôn ngữ mà còn phải am tường về văn hóa bản xứ được dùng trong tác phẩm và phải giỏi cả tiếng Việt để đảm bảo chất lượng bản dịch.

Cũng như Đoàn Ánh Dương, Nham Hoa được nhận định là đại diện của thế hệ dịch giả mới, giỏi ngoại ngữ, giàu vốn tiếng Việt, biết chọn sách dịch cần với văn học trong nước và biết cách để có bản dịch hay.

Văn trẻ chiếm văn đàn trẻ

Trần Quang Đức sinh năm 1985. Năm 2013, anh từng gây xôn xao giới nghiên cứu khi cho ra mắt cuốn sách Ngàn năm áo mũ, một công trình nghiên cứu kỳ công về trang phục Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945). Đây là một mảng trống văn hóa lớn trong hiểu biết chung của người Việt Nam do trước đây ít ai quan tâm chú ý đến lĩnh vực này.

Năm 2014, Trần Quang Đức lại lần nữa gây bất ngờ khi công bố sẽ dịch trọn bộ Sử ký Tư Mã Thiên, một trong các bộ sử lớn nhất Trung Hoa và cũng là một trong những bộ sử có giá trị lớn trên thế giới. Và để minh chứng cho quyết tâm này, vừa qua anh đã cho ra mắt phần Bản Kỷ, phần đầu tiên và cũng là phần quan trọng nhất của bộ sử ký.

Việc dịch bộ Sử ký Tư Mã Thiên được coi là một thử thách lớn lao đối với bất kỳ một dịch giả nào. Tư Mã Thiên viết bộ Sử ký cách nay hơn 2.000 năm và khi đó ông cũng dùng cả ngôn ngữ cổ cách ông thêm 1.000 - 2.000 năm nữa. Tuy rằng có thể tham khảo các bản dịch, bản chú giải sau này nhưng để đảm bảo tính nguyên gốc, anh vẫn dựa chủ yếu vào bản gốc của sử ký. (cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có bản dịch đầy đủ nào của Sử ký Tư Mã Thiên). Hiện nay, Trần Quang Đức đang dịch những phần tiếp theo của bộ sử ký gồm các phần Biểu, Thư, Thế gia và đặc biệt là phần Liệt truyện với nhiều đoạn nhắc đến Việt Nam.

Ở mảng sáng tác thị trường, các cây bút trẻ đang làm mưa làm gió với những kỷ lục về bán sách gây sửng sốt tất cả mọi người. Như trường hợp Phong Việt, nhà thơ sinh năm 1980 này liên tục tung ra hai tập thơ và cũng đạt con số bán ra đầy không tưởng như tập thơ đầu tay Đi qua thương nhớ với hơn 30.000 bản sách trong lần xuất bản đầu tiên, rồi Từ yêu đến thương với hơn 20.000 bản. Trong bối cảnh thơ bị xem là loại sách khó bán, làm chỉ để tặng thì thành công của Phong Việt quả thật là một điều đáng suy nghĩ.

Các nhà văn trẻ cũng không kém cạnh nhà thơ trẻ, Hội sách TPHCM lần thứ 8 ghi dấu một bất ngờ lớn khi một loạt các tác giả trẻ nằm trong danh sách sách bán chạy nhất như Anh Khang với Buồn làm sao buông đứng đầu danh sách, Iris Cao với Người yêu cũ có người yêu mới, Hamlet Trương với Thương nhau để đó, Jun Phạm với Nếu như không thể nói nếu như

Dù rằng có rất nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về giá trị văn chương các tác phẩm của những tác giả trẻ trên nhưng có một điều không thể phủ nhận là từ thành công lớn về số sách bán ra của họ đã thúc đẩy niềm đam mê sáng tác của người trẻ đồng thời khuyến khích nhu cầu đọc của bạn đọc trẻ. Liên tục các hội sách sau đó trên khắp mọi miền đất nước, tác phẩm của người trẻ được chú ý, bạn đọc trẻ nhiệt tình với việc tìm sách đọc.

Người trẻ, dù trong vai trò sáng tác nào, là tác phẩm kinh điển có giá trị nghệ thuật lớn, là công trình nghiên cứu văn hóa sâu sắc hay chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu đọc của số đông thì họ cũng đang góp phần mang đến một đời sống văn hóa sôi động, đa dạng và khắc họa đậm nét hình ảnh của người trẻ trong dòng chảy sáng tác trong nước hiện nay.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục