Dấu ấn từ những chiến dịch cơn lốc cam của EVN

Dấu ấn từ những chiến dịch cơn lốc cam của EVN

Chỉ số tiếp cận điện năng (thời gian triển khai các thủ tục cấp điện trung áp cho khách hàng) ngày càng được cải thiện. Nỗ lực của EVN đã được cộng đồng ghi nhận và kết quả đó chính là nhờ những chiến dịch với sự tham dự của hàng vạn người khoác trên mình chiếc áo màu cam.

Ngày khai trương cơ sở sửa chữa kim khí điện máy thứ 3, ông chủ Hoàng Anh Quân (Long Biên, Hà Nội) bất ngờ khi nhận được hoa chúc mừng từ Công ty Điện lực Long Biên. Nhưng niềm vui lớn hơn những đóa hoa tươi thắm và lời chúng mừng trên tấm thiệp hồng là trách nhiệm của ngành điện với cơ sở mới này. “Anh em điện lực đã hoàn thành lắp đặt, đấu nối điện đúng theo cam kết để cơ sở khai trương được vào ngày lành tháng tốt”.

Cán bộ, nhân viên EVN sửa chữa điện cho các hộ gia đình nghèo

Theo chia sẻ của ông Quân, để hoàn thành đấu nối điện cho cơ sở đầu tiên của ông phải mất gần 2 tháng, thì với cơ sở vừa khai trương chỉ còn 10 ngày. “Nếu cơ sở thứ 3 này cũng đợi đến 2 tháng mới đóng điện thì chắc tôi nghỉ kinh doanh vì tiền thuê mặt bằng rất cao mà bị bỏ không. Tôi rất vui và đánh giá cao trách nhiệm, cải cách thủ tục, thời gian của ngành điện để phục vụ khách hàng”. Không chỉ thế, cơ sở của ông Quân còn được miễn một số chi phí nhân công lắp đặt do EVN Hà Nội đang thực hiện chương trình “Tháng tri ân khách hàng”, trong khi công nhân ngành điện có ngày làm tới 21giờ – 22giờ đêm để đúng tiến độ.

Trong khi đó, để mở rộng trang trại nuôi lợn và gà, anh Trần Hồng Thắng (Thạch Thất, Hà Nội) đầu tư thêm 3 máy xay sát gạo, nghiền cám để phục vụ cho hoạt động sản xuất gia đình vừa phục vụ bà con địa phương. Đề xuất với ngành điện địa phương, anh Thắng lo lắng kế hoạch “phá sản” trước Tết này vì khu đặt máy ở gần cánh đồng cách xa đường điện.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế, không chỉ ngành điện địa phương, mà nhiều công nhân của các đơn vị khác cũng sang hỗ trợ nên chỉ sau 8 ngày, anh Thắng đã có những mẻ xay sát đầu tiên. “Tôi muốn bồi dưỡng anh em vì thấy họ vất vả cả ngày đêm trong khi trời lạnh giá, nhưng họ không nhận. Điều tôi ngạc nhiện nhất là không nghĩ anh em ngành điện lại nhiệt tình và hăng say công việc như thế. Tôi hy vọng, sang năm mở cơ sở sản xuất đá nước sạch cũng được ngành điện đấu nối, thủ tục nhanh gọn như vậy”.

Rút ngắn tối đa thời gian tiếp cận điện năng cho khách hàng là một trong những mục tiêu của những người thợ khoác trên mình chiếc áo đồng phục màu cam. Cụ thể, thời gian khách hàng được tiếp cập điện năng từ 55 ngày, tới năm 2014 giảm còn 18 ngày và thời điểm hiện tại chỉ 10 ngày (thời gian thực hiện các phần việc thuộc trách nhiệm của EVN). Trong 9 tháng đầu năm 2015. Đã có gần 6.000 khách hàng đăng ký cấp điện trung áp và thời gian thực hiện trung bình đối với khách hàng được thống kê trên phần mềm là 10,03 ngày trong 9 tháng của năm 2015.

Nỗ lực của ngành điện đã được ghi nhận trong báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới mới đây. Cụ thể, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam là chỉ số có kết quả thay đổi tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam vươn lên vị trí 108/189 về chỉ số tiếp cận điện năng năm 2015, tăng 22 bậc so 2014.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, ông Dương Quang Thành trực tiếp giải đáp các thắc mắc của các khách hàng sử dụng điện lớn

“Để đạt được con số thời gian tiếp cận điện năng đẹp như trên và mục tiêu là dưới hai chữ số, ngoài nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin thì điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người”, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ. “Với hàng vạn công nhân ngành điện trên cả nước, nếu không chung hành động, đồng lòng, đặt trách nhiệm lên hàng đầu với mục tiêu vì khách hàng thì mọi cải cách, công nghệ vẫn không thể chạy”.

Theo lãnh đạo cao nhất của ngành điện, từ nhận thức chung của mỗi người khoác trên mình chiếc áo màu cam: khách hàng là thượng đế”, ngành điện đã triển khai nhiều chiến dịch màu cam phủ sóng trên từng đường dây, tới từng hộ dân, để mỗi nhân viên nhà đèn gần hơn và lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thiện và phát triển. Như phong trào “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, “Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán lẻ đến hộ nông thôn”, “Xây dựng đường dây và trạm kiểu mẫu”, “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu”,… Những phong trào này với sự tham gia của hạng vạn cán bộ ngành điện không chỉ khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác cung cấp điện, cải thiện thủ tục giải quyết các yêu cầu về sử dụng điện, mà còn xây dựng được hình ảnh hoàn toàn mới trong tâm trí khách hàng: Sự cầu thị, trách nhiệm, thái độ ứng xử. “Khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi. Một lần nữa, xin gửi lời tri ân tới quí khách hàng đã đồng hành cùng EVN. Chúng tôi cam kết nâng cao hơn nữa độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng cho khu vực miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Tập đoàn cũng cam kết ngày càng làm tốt hơn nữa công tác dịch vụ khách hàng sử dụng điện”, ông Thành cam kết.

“Không chỉ với ngành điện, với bất kỳ ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng vậy, đội ngũ con người trực tiếp nắm giữ, triển khai công việc. Nếu không có thay đổi từ con người, thì không thể có thay đổi về chất lượng dịch vụ dù máy móc, công nghệ có hiện đại tới đâu. Nói cách khác, nhân lực có vai trò quyết định đối với chất lượng dịch vụ khách hàng - nhất là trong bối cảnh EVN đang tập trung xây dựng hình ảnh một tập đoàn kinh tế phát triển bền vững và thân thiện như hiện nay”, một chuyên gia xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho hay.

Tháng “Tri ân khách hàng” được EVN triển khai trên toàn quốc với thông điệp “Trách nhiệm, hiệu quả” và bằng những hành động thiết thực hướng tới khách hàng. Cụ thể trong tháng 12/2015, dự kiến sẽ có: trên 7.500 hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo được tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện gia dụng miễn phí; tặng quà cho hàng nghìn hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách và các khách hàng; trên 100 Hội nghị khách hàng sẽ được tổ chức tại các Công ty Điện lực trên toàn quốc để lắng nghe phản hồi của khách hàng.

ANH PHAN

Tin cùng chuyên mục