Iran đang tìm lối đi lách qua các lệnh cấm vận của phương Tây để tăng lượng xuất khẩu dầu siêu nhẹ sang Trung Quốc và các thị trường châu Á khác để nâng giá trị thương mại của các giao dịch này lên hàng tỷ USD/năm.
Theo dữ liệu của hải quan Iran, trong những tháng gần đây, mỗi ngày nước này đã xuất khẩu 525.000 thùng dầu siêu nhẹ, hay còn gọi là khí ngưng tụ (condensate), cao hơn gấp 2 lần so với 1 năm trước đây. Theo các nhà phân tích, trong 3 tháng qua, doanh số bán hàng đã tăng lên thêm 1,5 tỷ USD, tức có thể đạt được 6 tỷ USD/năm. Doanh thu này có được từ sự gia tăng các lô hàng xuất sang châu Á mà không vi phạm các quy định của lệnh trừng phạt.
Dầu siêu nhẹ là sản phẩm lỏng bị cuốn theo khí đồng hành hay khí thiên nhiên trong quá trình khai thác dầu khí, được ngưng tụ và thu hồi sau khi qua các bước xử lý, tách khí bằng các phương pháp làm lạnh ngưng tụ, chưng cất nhiệt độ thấp.
Mặc dù dầu siêu nhẹ được sử dụng chủ yếu để pha chế xăng, dung môi pha sơn, dung môi trong công nghiệp hoặc pha trộn với một loại dầu nặng hơn để làm nhiên liệu, nhưng theo lệnh cấm vận của phương Tây, các sản phẩm này không được xem là dầu thô và không bị cấm xuất khẩu. Đối với khí tự nhiên, Iran chỉ bị cấm xuất sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) cuối năm 2012, nhưng không cấm bán cho thị trường châu Á - đã tạo điều kiện cho sự khởi đầu bán các loại dầu siêu nhẹ.
Do vậy, nhiều nước đã có quyền miễn trừ để nhập khẩu dầu siêu nhẹ của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản… mà về mặt kỹ thuật không bị cấm và không vi phạm với các thỏa thuận với Washington. Sự gia tăng xuất khẩu dầu siêu nhẹ đã giúp Iran bù đắp một phần doanh thu dầu mỏ mà quốc gia Trung Đông này bị thiệt hại do lệnh cấm vận của phương Tây.
Theo Bộ Năng lượng Iran, từ tháng 1 đến tháng 5, lượng dầu xuất khẩu và khí ngưng tụ của Iran là 300.000 thùng/ngày, cao hơn mức trung bình năm 2013. Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Ngoài châu Á, một thị trường tiềm năng khác hỗ trợ Iran trong bối cảnh khó khăn này là Syria, đồng minh thân cận của Iran.
Tuy nhiên, nếu như xuất khẩu thêm khí ngưng tụ mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế đang bị bao vây của Iran thì giới chức nước này cũng lưu ý rằng, các lợi ích này vẫn bị hạn chế bởi các lệnh cấm vận nhắm vào ngân hàng trung ương Iran.
Theo các lệnh cấm vận, tiền thu được từ bán khí đốt, có thể không được hồi hương mà phải nằm lại ở những nước mua hàng của Iran. Điều này có nghĩa là số tiền bán hàng phải dùng để mua hàng hóa của các bạn hàng Trung Quốc hoặc Ấn Độ... Iran vẫn còn đang bị khách hàng nợ hàng tỷ USD trong thanh toán bởi vì giá trị hàng hóa mua về luôn luôn không thể nào lớn bằng giá trị dầu mà nước này bán được.
Cho dù khó khăn như thế nào, nhưng theo giáo sư Denise Natali, tại Trường ĐH Quốc phòng quốc gia Mỹ, Iran dường như đang tìm mọi cách tăng xuất khẩu dầu siêu nhẹ, thậm chí đang phát triển mỏ khí South Pars có trữ lượng dồi dào. Công ty Phân phối và khai thác dầu Iran có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến dầu siêu nhẹ với năng suất 60.000 thùng/ngày.
HẠNH CHI