Đầu tư cho năng lượng mặt trời lần đầu tiên vượt dầu mỏ

Ngày 26-5, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo mới nhất cho biết đầu tư cho năng lượng sạch tiếp tục vượt đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023, khi các dự án năng lượng mặt trời lần đầu tiên vượt số tiền chi tiêu cho dầu mỏ.
Các dự án năng lượng sạch tiếp tục phát triển mạnh
Các dự án năng lượng sạch tiếp tục phát triển mạnh

Tín hiệu đáng mừng

Báo cáo mang tên Đầu tư năng lượng thế giới của IEA nêu rõ đầu tư hàng năm cho năng lượng tái tạo đã tăng gần 1/4 kể từ năm 2021, trong khi đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch tăng 15%. Khoảng 90% chi tiêu cho năng lượng sạch đến từ các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc. Tuy nhiên, IEA nhấn mạnh đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch vẫn cao gấp đôi mức giới hạn để đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào giữa thế kỷ này. Ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành (CEO) của IEA, cho biết: Năng lượng sạch đang phát triển rất nhanh, nhanh hơn nhiều người biết. Hiện nay, cứ 1 USD đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch, có 1,7 USD đầu tư cho năng lượng sạch. Cách đây 5 năm tỷ lệ này là 1:1.

Dự kiến tổng đầu tư vào năng lượng trên toàn cầu trong năm 2023 là khoảng 2.800 tỷ USD, trong đó hơn 1.700 tỷ USD sẽ dành cho năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, xe điện và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Phần còn lại sẽ được đầu tư vào dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá. Năm 2023, chi tiêu cho điện mặt trời dự kiến sẽ đạt hơn 1 tỷ USD/ngày hoặc khoảng 380 tỷ USD/năm.

Ông Dave Jones, chuyên gia của nhóm cố vấn năng lượng Ember, nhận định: “Năng lượng mặt trời thực sự là siêu năng lượng. Đây là công cụ lớn nhất mà chúng ta có để phi carbon hóa nền kinh tế. Nhưng điều mỉa mai là một số nơi có nhiều nắng nhất trên thế giới lại có mức đầu tư thấp nhất cho năng lượng mặt trời. Cũng theo báo cáo của IEA, đầu tư vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch mới sẽ tăng 6% trong năm 2023, lên 950 tỷ USD.

Cơ hội kinh tế

Nghiên cứu của IEA cho thấy sản xuất năng lượng sạch có thể mang lại hơn 650 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050. Báo cáo của IEA cũng cho thấy các quốc gia sẽ cần vượt qua những thách thức liên quan đến sự tập trung chuỗi cung ứng và lực lượng lao động để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế của các lĩnh vực công nghệ sạch.

Báo cáo hoan nghênh các chính sách hàng đầu mới sẽ giúp thúc đẩy thị trường trong thời gian tới. Ví dụ, Đạo luật Giảm lạm phát ở Mỹ là một gói biện pháp giúp những người dễ bị tổn thương chi trả cho chăm sóc sức khỏe và giảm lượng khí thải, tập trung vào năng lượng và giao thông. Ở những nơi khác, gói Fit for 55 và kế hoạch REPowerEU của Liên minh châu Âu đang thúc đẩy tăng trưởng thị trường, chương trình Chuyển đổi xanh của Nhật Bản và chương trình khuyến khích liên kết sản xuất ở Ấn Độ khuyến khích sản xuất pin mặt trời và pin.

Ủy ban châu Âu đã công bố các đề xuất rất được mong đợi của mình về Đạo luật Công nghiệp Net-Zero để đẩy nhanh việc mở rộng quy mô và sản xuất các công nghệ sạch trên toàn EU. Các dự thảo ban đầu của Đạo luật Công nghiệp Net Zero đã được thông qua, theo đó các mục tiêu mới về ít nhất 40% công nghệ năng lượng sạch sẽ được sản xuất tại EU vào năm 2030…

Tin cùng chuyên mục