Đầu tư công - năng lực và trách nhiệm

Hội nghị chuyên đề về “Công tác giải ngân vốn đầu tư công” được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 20-10 là một phản ứng nhanh trước hiện trạng “chưa đạt như mong muốn” khi mức giải ngân 9 tháng đầu năm 2023 thấp hơn mặt bằng chung cả nước, biểu hiện thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh” để có giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn.
Đầu tư công - năng lực và trách nhiệm

Cùng với Hà Nội, TPHCM là địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn nhất, chiếm gần 10% tổng số vốn của cả nước (gần 68.500 tỷ đồng/711.000 tỷ đồng). Đây cũng là 2 địa phương có số vốn giải ngân cao nhất trong 9 tháng qua. Nhưng TPHCM lại có số dự án nhiều nhất, với 2.042 dự án đang thực hiện.

Trong đó, 1.521 dự án (chiếm 74,5%) dự kiến giải ngân hơn 95%, 288 dự án (chiếm 14,1%) có thể sẽ giải ngân được hơn 95% và 233 dự án (chiếm 11,4%) dự kiến không hoàn thành kế hoạch giải ngân. Vấn đề là, tỷ lệ có vẻ… khiêm tốn 11,4% ấy lại đều là dự án trọng điểm với quy mô vốn được giao rất lớn. Nếu tháo gỡ để giải ngân thì nguồn vốn mồi này sẽ là động lực cho thị trường; song nó như một cái bẫy nếu các bước đi, quy trình thực thi yếu, năng lực đánh giá, thẩm định, dự báo kém, không bám sát quy định, thì nhiệm vụ đã bất khả thi lại còn dễ dẫn tới sai phạm.

Thấu hiểu những thách thức đặt ra và ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ để đạt được những bước chuyển động tích cực trong 9 tháng qua; song khi mổ xẻ những vướng mắc, chậm trễ trên các nguyên nhân chính từ giải phóng mặt bằng, thủ tục… đã cho thấy vai trò của đội ngũ thực thi, trong đó đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị, tổ chức có tính quyết định tốc độ giải ngân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nêu “Dự án nào? Yếu chỗ nào? Do cái gì? Do ai?”, 4 dấu hỏi nhưng thực chất đều quy về một câu trả lời - cụ thể là người thực thi, từ chức trách quản lý đến năng lực triển khai, giám sát, xử lý…

Một báo cáo dựa trên khảo sát đối với 233 dự án của TPHCM cho thấy, 5/8 nguyên nhân mang tính chủ quan (là các vấn đề mà thành phố có thể giải quyết và xử lý trong thẩm quyền) vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến 209 dự án chậm giải ngân. Tắc nghẽn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 42% số dự án và 76% vốn của các dự án chậm tiến độ, tương đương 45,5% tổng vốn đầu tư công của thành phố ).

Bên cạnh đó là những nguyên nhân đã được nêu và thảo luận nhiều lần, nhưng… tiếp tục được nêu lại, như năng lực nhà thầu, thủ tục quyết toán hay phối hợp các đơn vị có liên quan.

Nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được đưa ra mổ xẻ, bàn luận nhiều lần, các biện pháp kỹ thuật cũng đã được đưa vào áp dụng; phần còn lại và cũng là quan trọng nhất lúc này là các biện pháp để xử lý những người thiếu năng lực quản lý, thúc đẩy điều hành, dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.

Đúng như tinh thần mà người đứng đầu Đảng bộ TPHCM nhấn mạnh, ai, nơi nào làm tốt thì khen thưởng; còn để xảy ra chậm trễ, thiếu năng lực giải quyết, không quyết liệt chỉ đạo phối hợp xử lý thì cần xem lại năng lực lẫn trách nhiệm để tìm đúng người có năng lực “dám nghĩ, dám làm”, phân công đúng việc, phát huy “vốn mồi” - con người trong giải ngân đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục