Dạy con biết yêu thương!

Ông bà xưa có câu “dạy con từ thuở còn thơ”, khi con trẻ lên 3 lên 5, tâm hồn con như tờ giấy trắng chưa lấm lem màu mực cuộc đời, thì sự rèn giũa, dạy dỗ của cha mẹ sẽ có tác động rất lớn giúp định hướng phát triển tâm lý, tính cách, dần hình thành quan điểm sống, học tập, làm việc cho con trẻ.

Trong sự hình thành nhân cách của con, cha mẹ cũng nhất thiết phải dạy cho con biết quý trọng những gì mình đang có, đang được thụ hưởng, biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ người trong gia đình và mọi người xung quanh bằng những hành động nhỏ phù hợp với sức của con trẻ.

1. Bé Phi (con chị Minh Tuyết ở quận Gò Vấp, TPHCM) đã 9 tuổi, năm nay vào lớp 3. Ở nhà, Phi được đại gia đình ông bà nội, cha mẹ, dì ba và anh hai rất yêu thương, cưng chiều. Hầu như tất cả mọi việc trong cuộc sống của Phi đều được người lớn lo toan hết, không cần làm gì.

Sự nuông chiều hết mực của gia đình ba thế hệ khiến Phi ở tuổi lẽ ra phải biết tự làm những điều cơ bản nhất trong cuộc sống hàng ngày (như: thay đồ, tắm rửa, đánh răng, ăn xong phụ ba mẹ dọn chén bát, xếp gọn đồ chơi, tập vở, bút màu sau khi chơi và học xong, hay phụ giúp mẹ quét nhà, dọn dẹp chăn gối chỗ ngủ…), thế nhưng Phi không tự làm được bất cứ việc gì.

Tính cách của Phi cũng khá ngang ngạnh. Bé hơi ương bướng đúng kiểu con cưng và nhà có tiền. Phi thích gì là làm đó, cũng không quan tâm chú ý đến người thân trong nhà như thế nào. Sự dạy bảo của cha mẹ Phi cũng ở trong chừng mực giới hạn vì chị Tuyết và chồng luôn tất bật với công việc kinh doanh.

Đến một hôm, ông nội bị té trong nhà tắm và ngất. Phi là người đầu tiên thấy ông. Bé đến gần gọi “ông nội, ông nội”, nhưng thấy ông không trả lời thì Phi vô tư ra phòng khách chơi và xem tivi tiếp. Bà nội nằm nghỉ trong phòng, lâu quá không thấy ông vào, dậy đi tìm mới phát hiện ông đã hôn mê sâu sau cú trượt chân té bật ngửa. Bà vội gọi điện thoại cho con trai và con dâu về đưa ông đi cấp cứu. Trong camera của gia đình ghi lại, Phi không một chút gì lo lắng cho ông khi phát hiện ông nằm dài dưới nền đất ướt, không động đậy.

Có thể thấy, sự vô tư của Phi trước tình huống khẩn cấp của gia đình cũng vì vợ chồng chị Tuyết chưa dành nhiều thời gian để truyền đạt các kỹ năng sống cần thiết cho con trẻ. Trong loạt kỹ năng sống đó có cả việc rất nhỏ của con cháu trong gia đình là biết quan tâm đến sức khỏe ông bà, cha mẹ, anh chị em; giúp đỡ ông bà, cha mẹ bằng việc làm vừa sức; biết cách gọi điện thoại nhờ sự ứng cứu của người lớn khi gặp trường hợp khẩn cấp…

Dạy con trẻ điều hay lẽ phải là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Dạy con trẻ điều hay lẽ phải là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

2. Với Tâm Anh (con trai út của chị Mai Phương ở quận 8), bé sống trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế tốt nên được ba mẹ chăm sóc chu đáo và toàn diện. Bé cũng có một trái tim nhạy cảm, biết yêu thương cha mẹ, thương quý hai chị, biết chia sẻ đồ ăn, đồ chơi với chị.

Tâm Anh cũng nhỉnh hơn bạn cùng trang lứa về suy nghĩ vì có sự chú ý tập trung quan sát cao độ mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, bé ghi nhớ và thể hiện điều đã nhớ khá tốt.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, có một điều mà chị Phương đau đầu nhất là chuyện bé thường xuyên ăn uống bỏ thừa mứa cơm và thức ăn. Chị đã nhiều lần rầy la, có khi thì nhỏ nhẹ chỉ dạy, thủ thỉ khi hai mẹ con nằm bên nhau trò chuyện, tâm sự. Thế nhưng bé vẫn giữ thói xấu phung phí thức ăn.

Để giúp con hiểu và cảm nhận rõ hơn, biết trân quý những điều kiện vật chất mà con đang được thụ hưởng, có những buổi tối muộn, chị Phương đi dạo cùng Tâm Anh, vòng quanh thành phố. Khi xe dừng trước đèn đỏ, nhìn ở mấy góc ngã tư đường, chị lại thủ thỉ chỉ cho con thấy mấy bạn nhỏ có gương mặt lấm lem, quần áo sờn rách, cũ kỹ, đang ngửa tay xin tiền người đi đường. Có bé trên tay cầm mấy tờ vé số vì cuộc sống mưu sinh, vì niềm hy vọng có những bữa cơm no bụng.

Những chuyến đi thực tế tiếp cận đời sống xã hội của chị Phương giúp con hiểu thêm, bên ngoài căn nhà ấm áp và hạnh phúc mà con trẻ đang sống, được cha mẹ đùm bọc, lo lắng chăm sóc, thì trong xã hội rộng lớn vẫn luôn còn những cảnh đời người nghèo khó, họ luôn biết trân quý thức ăn có được từng ngày, họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Việc cha mẹ chỉ dạy và rèn luyện các kỹ năng sống cho con trẻ, nuôi dưỡng tình cảm, dạy con biết trân quý các giá trị cuộc sống, yêu thương gia đình, biết giúp đỡ người cô thế… sẽ là những điều kiện tiên quyết, cần thiết, để con trẻ phát huy tốt nhất tư duy, nhận thức, cảm xúc; đồng thời để từ đó các con có thể dễ dàng thể hiện tình yêu thương cuộc đời và con người bằng một trái tim trong sáng, bằng tâm hồn nhạy cảm, chính trực.

Tin cùng chuyên mục