Cứ mỗi sáng, chị Thu Giang, 35 tuổi, ở Tokyo, Nhật Bản, dậy sớm chuẩn bị sẵn đồ ăn cho cậu con trai, dặn dò vài điều rồi cho cậu bé ở nhà một mình để chị đưa con gái đi học mẫu giáo rồi đến công ty làm việc. Từ khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vào đầu tháng 3 ra lệnh đóng cửa tất cả trường từ tiểu học đến trung học phổ thông trên toàn quốc nhằm ngăn chặn Covid-19, những phụ nữ như chị Thu Giang phải lựa chọn hoặc để con ở nhà một mình hoặc làm việc từ xa.
Chị Thu Giang làm việc tại chi nhánh FPT tại Nhật Bản gần 6 năm nay, đã chọn cách đầu tiên, dù có thể đề xuất công ty tạo điều kiện ở nhà vừa trông con vừa làm việc. “Nói không lo lắng là không đúng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát của mình và tin tưởng con trai có thể tự lo liệu”, chị nói.
Cậu con trai của chị Thu Giang học lớp 2, từng có thời gian về học sớm và ở nhà một mình khoảng 1-2 tiếng chờ bố mẹ nên cũng không quá bỡ ngỡ. Hàng ngày, chị giao thêm cho con một số bài tập để làm, ngoài các bài sẵn có của giáo viên. Cậu bé với tên gọi thân mật là Bi chỉ được xem tivi 30 phút, thậm chí nghe một bài hát cũng phải báo với mẹ. Đến giờ ăn trưa, Bi tự làm nóng đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn bằng lò vi sóng. Chị Thu Giang cho biết: “Mình theo dõi mọi hoạt động của con qua camera, gọi điện hỏi han, nhắc nhở thường xuyên để con không buồn và lo lắng. Mình cũng yên tâm hơn khi con được nghỉ học ở nhà và tránh tiếp xúc nơi đông người, dễ lây nhiễm virus”.
Ngoài giờ tự học ở nhà, Bi tự bắt xe buýt đến các lớp học ngoại khóa. Như bao trẻ em khác tại Nhật Bản, từ khi vào lớp một, cậu bé bắt đầu được cha mẹ cho đi ra ngoài một mình và tự đi học bằng xe buýt. Khi ra ngoài, Bi đeo một thiết bị thông minh kết hợp nhiều chức năng được địa phương phát cho trẻ em. Với thiết bị này, Bi có thể gọi điện cho cha mẹ khi cần, bấm nút báo động cho trung tâm theo dõi trẻ em khi gặp người xấu. Chị Giang cũng có thể định vị xem con đang ở địa điểm nào. “Trong thời gian mẹ vắng nhà, Bi tự ra siêu thị mua đồ ăn rồi tự đi đến các lớp học đàn và lắp ghép robot. Nhờ có thiết bị theo dõi mà tôi không phải lo lắng nhiều, còn con thì có cơ hội rèn tính tự lập”, chị Thu Giang nói. Dù đi đâu, điều quan trọng mà chị luôn nhắc nhở các con đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.
“Thời gian đầu khi Covid-19 bùng phát, tôi nhận thấy người Nhật vẫn khá bình thản, không mấy ai đeo khẩu trang. Đến đầu tháng này, khi chính phủ yêu cầu các trường học đóng cửa, tâm lý phòng dịch của mọi người như bước sang một giai đoạn khác”, chị Thu Giang kể. Người dân Nhật Bản đổ xô đến siêu thị mua đồ ăn tích trữ, giấy vệ sinh cháy hàng do có tin đồn rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đóng cửa. Thực phẩm hàng ngày không tăng giá và vẫn dồi dào, nhưng nước rửa tay và khử khuẩn luôn trong tình trạng khan hiếm do nhiều người không chỉ mua để sử dụng mà còn gom hàng bán sang nước khác. Chị Thu Giang từng phải xếp hàng mua thêm khẩu trang nhưng không có. Công ty FPT sau đó đã chuyển 5.000 khẩu trang vải sang Nhật Bản phân phát để nhân viên yên tâm làm việc. Nhịp sống có chậm hơn so với trước đây, nhưng ai ai cũng hiểu và chấp nhận, bảo nhau cùng cố gắng để sớm vượt qua đại dịch này.