
Một ngày đầu tháng 3–2005, chúng tôi có dịp dự thính một tiết học toán ở lớp 8A3 Trường THCS Tân Bình (Hậu Giang). Đây là tiết học và dạy theo kiểu “cua bò” – cách nói vui của học trò thầy Nguyễn Văn Lộc. Dạy học kiểu “cua bò” là gì? Đó là viết tắt của chữ KUA, tức là Knowledge (kiến thức), Understanding (hiểu biết) và Application (áp dụng) mà học trò đọc chệch thành “cua” và thêm chữ “bò” cho vui…
Ba mươi học sinh chia thành 6 nhóm. Dụng cụ gồm 2 ống nước nhỏ (một ngắn, một dài), xếp thành hình chữ T. Học sinh ngắm xuyên qua ống nước, hướng về đỉnh cột cờ ở sân trường. Đây là tiết học 2 tam giác đồng dạng, học sinh phải tìm ra chiều cao của cột cờ !
Khi đưa ống nước ngắm về phía cột cờ và căng thêm một đoạn dây, nhóm HS Huỳnh Cao Hoàng Vũ đọc các thông số cần thiết để Hằng ghi lại và áp dụng nguyên tắc 2 tam giác đồng dạng. Kết quả, chiều cao của cột cờ đã được tính ra là 6,6m. Vũ là thành viên của nhóm được đề cử thuyết trình về bài toán vừa giải và cách trình bày tự tin của Vũ đã làm nhiều người ngạc nhiên. Đây là năm thứ 3 Vũ được tham gia học theo phương pháp KUA…

Đo chiều cao cột cờ của trường và thuyết trình về bài toán đo cột cờ theo phương pháp KUA.
Hàng trăm người - có nhiều vị giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước - đã tỏ ra khâm phục đối với 2 học sinh Cao Thị Thanh Hoàng và Trương Thượng Hoài Nhân, học sinh lớp 5A ở Trường Tiểu học An Bình 3. Hai “vị khách thuyết giảng” này chỉ mới 11 tuổi, nhưng đã tự nuôi muỗi để đúc kết về chu trình sinh sống, mức độ độc hại trong truyền bệnh sốt xuất huyết và sự cần thiết phải diệt trừ chúng ở cộng đồng.
Nhiều giáo viên thừa nhận: Thay vì ngồi học theo cách truyền thống, học sinh ngồi học “đối diện” nhau sẽ tạo không khí chủ động, sáng tạo. Điểm độc đáo của chương trình là các em được mắt thấy, tai nghe (theo phương pháp trực quan sinh động) để tham gia tìm hiểu kiến thức.
Khi dạy về các động - thực vật, các em được trực tiếp quan sát, thảo luận và làm một bài thu hoạch nhỏ. Khi dạy về phép tịnh tiến, cô Trần Thị Kim Xuân, giáo viên Trường Nguyễn Việt Hồng (Cần Thơ) đã liên hệ thực tế như việc dời nhà của “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy (An Giang), giới thiệu hàng chục bài báo về “thần đèn”… Nhiều đồng nghiệp ở các trường đã đến học tập kinh nghiệm giảng dạy theo phương pháp KUA.
Đây là một bước đột phá trong giáo dục từ dự án “Kết hợp cải cách giáo dục với phát triển cộng đồng” do các giáo sư, tiến sĩ của Trường ĐH Cần Thơ và ĐH bang Michigan (Mỹ) phối hợp tổ chức. Kinh phí giai đoạn 1 do tổ chức Shell đầu tư. Dự án được triển khai ở phường An Bình (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), xã Tân Bình, Hòa An và thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho gần 50 giáo viên ở 7 trường tham gia dạy và học theo phương pháp KUA.

Thành phần gồm 11 giảng viên của Trường ĐH bang Michigan, 19 giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, 20 cán bộ cộng đồng, khuyến nông cùng các Hội Nông dân, Phụ nữ tham gia… Các giáo viên, nông dân và phụ nữ vùng dự án được tập huấn cáùc nội dung chủ yếu sử dụng nguồn tài nguyên địa phương để đưa vào chương trình giảng dạy.
Thầy cô và học sinh được tham quan các hộ sản xuất nông nghiệp, áp dụng IPM cho lúa, sản xuất theo mô hình tổng hợp VACB (vườn – ao – chuồng – biogas)… Cái hay của chương trình là sự nối kết giữa học sinh với cộng đồng; phối hợp với gia đình lập vườn rau sạch.
Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Hiệu phó Trường ĐH Cần Thơ nhận định: Dự án đi sát với thực tế nông thôn, giúp học sinh ý thức bảo vệ môi trường, kích thích khả năng tư duy. Hiệu quả của chương trình cũng lan tỏa trong cộng đồng: học sinh và gia đình đã phối hợp thực hiện các chương trình trồng rau sạch và sản xuất mô hình VACB.
Giáo sư Christopher Wheeler (ĐH bang Michigan), điều phối viên dự án, phân tích: KUA là sử dụng sân trường, tài nguyên địa phương, là các hoạt động học tập bên ngoài, tham gia trực tiếp vào cộng đồng. Tính sáng tạo, tự tin của học trò sẽ được phát huy. Tất nhiên, mỗi cách dạy đều có cái hay và cái nhược.
Vấn đề ở chỗ thầy cô giáo phải linh động cân đối giữa cách dạy truyền thống và dạy theo phương pháp KUA. Được biết, dự án này sẽ được mở rộng ra nhiều trường và kéo dài đến năm 2006.
Rời những ngôi trường ở vùng quê Tân Bình (Hòa An, tỉnh Hậu Giang) trong tôi đọng lại nhiều hình ảnh sinh động: thầy giáo Một, Khởi, cô Liên… sốt sắng cầm hoa hồng, hoa cẩm chướng, có cả mèo (thay hổ)… vào lớp để giảng bài. Sẽ còn nhiều học sinh như Vũ, Nhân, Hoàng… ngày càng tự tin khi thuyết trình trước lớp. Đó sẽ tiền đề thắp sáng ước vọng của những nhà khoa học tương lai được tiếp cận phương pháp học “cua bò”!
CAO HOÀNG PHONG