Đẩy mạnh số hóa trong quản lý tài chính, tài sản trường học

Sáng 18-1, tại Hội nghị tổng kết công tác kế hoạch - tài chính năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, toàn ngành sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất trường học trong năm 2024.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đảm bảo công tác quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất trường học đạt hiệu quả, khoa học, góp phần nâng cao nhận thức về quản lý tài sản công đối với lãnh đạo các đơn vị trường học, đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước về tài chính và quản lý tài sản.

Cùng với đó, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục, nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đảm bảo yêu cầu minh bạch và trách nhiệm đối với nhà nước, người học và xã hội.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay, ngành giáo dục đang hoàn thiện Đề án xây dựng công trình 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

5a774ed4c5726e2c3763-6926-5938-2908.jpg
Hội nghị tổng kết công tác kế hoạch tài chính năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra sáng 18-1

Trước đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã làm việc với UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện để xác định quỹ đất xây trường từ nay đến năm 2025, kết hợp với việc triển khai nhiều giải pháp để tăng thêm trường, lớp, đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho người dân.

Theo ông Mai Phương Liên, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM), yêu cầu phát triển mạng lưới trường ngoài công lập hiện nay ở một số địa phương còn mang tính tự phát, chưa đảm bảo quy hoạch mạng lưới phù hợp trong hệ thống giáo dục.

Tình trạng đất quy hoạch giáo dục vướng đền bù, giải tỏa nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường, lớp, chưa giảm được áp lực về sĩ số học sinh/lớp ở một số địa phương.

Ngoài ra, theo báo cáo của Phòng Kế hoạch - Tài chính, việc xây dựng mới, xây thay thế, nâng cấp cải tạo, mở rộng các trường học đa số thực hiện trên đất hiện hữu, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao nên mở rộng khuôn viên trường rất hạn chế.

Cùng với đó, định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT chưa phù hợp so với đặc thù của TPHCM, dẫn đến việc đầu tư gặp khó khăn.

Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, trong năm 2024, ngành giáo dục tiếp tục củng cố, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện đại, tập trung cho các trường chuyên, mô hình trường tiên tiến, trường ở các xã nông thôn mới, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đảm bảo điều kiện triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Song song đó, các quận, huyện thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học để kịp thời tham mưu biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học.

Tin cùng chuyên mục