Đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng giao thông ở TPHCM

Đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng giao thông ở TPHCM

Ngày 27-2-2016, Hội nghị phối hợp công tác giữa TPHCM và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã được tổ chức tại TPHCM. Các đồng chí: Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, cùng lãnh đạo Bộ GTVT đã tham dự hội nghị. Xác định rõ tinh thần phối hợp và thống nhất các danh mục công trình đầu tư cụ thể từ nay đến năm 2020 là nội dung chính của hội nghị này.

Đề xuất cơ chế đặc biệt

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, sau khi tính toán chi tiết, đầy đủ các khoản chi phí đã tăng vốn đầu tư lên tới 14.000 tỷ đồng. Theo quy định mới, dự án có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư. Để thực hiện lại thủ tục đầu tư từ đầu theo quy định này, TPHCM sẽ phải mất thêm 2 năm nữa mới có thể triển khai dự án. Trong khi đó, TPHCM đang rất cần đưa các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như tuyến metro này vào hoạt động để chống ùn tắc giao thông. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đã được nhà tài trợ và các đơn vị liên quan nhất trí. Hơn nữa, lại là dự án chuyển tiếp từ các quy định cũ nên TPHCM đã trình Chính phủ xin cơ chế đặc biệt để có thể nhanh chóng triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, Chính phủ chưa “chốt lại”.

Hệ thống metro tạo cơ hội phát triển hạ tầng, tái cấu trúc đô thị. Ảnh: Cao Thăng


Cũng theo ông Cường, việc “đổi đất” lấy vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông cũng đang gặp một số vướng mắc. Theo quy định, TPHCM phải có quỹ đất sạch (đất đã giải phóng mặt bằng) để đưa ra đấu giá. Tiền thu được từ hoạt động này sẽ được đầu tư trở lại cho hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, thời gian gần đây, TPHCM chưa có nguồn vốn để làm công tác này. Khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường mới mở cũng gặp khó tương tự khi ngân sách TPHCM không đủ sức thực hiện hết công tác giải tỏa. Doanh nghiệp bỏ vốn ra giải tỏa, mong muốn sau này được chỉ định thầu khai thác quỹ đất thì theo quy định hiện hành, TPHCM không được chỉ định thầu cho dù đó là doanh nghiệp đã tham gia giải phóng mặt bằng. Việc khai thác quỹ đất phải được đưa ra đấu thầu. Ông Bùi Xuân Cường nhận định, các nút thắt này đang là điểm nghẽn trong việc thu hút các nguồn vốn xã hội cho việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Do mới được nạo vét nên luồng tàu biển Soài Rạp của TPHCM có tốc độ bồi lắng khá lớn. Hiện trung bình TPHCM cần trên 300 tỷ đồng/năm để duy tu, bảo dưỡng tuyến luồng này. Thế nhưng, dù đã được Bộ GTVT nhất trí với phương án đề xuất của TPHCM: cho thành phố thu phí tàu qua lại tuyến luồng để có tiền duy tu, bảo dưỡng, song cho đến nay, sau nhiều lần kiến nghị, Bộ Tài chính vẫn chưa nhất trí với phương án này.

Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và đại diện Sở GTVT TPHCM báo cáo, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu trong quý 1-2016, Sở Tài chính TPHCM phải ra Hà Nội, làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề này. Về dự án đầu tư tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, đồng chí Đinh La Thăng đề nghị UBND TPHCM và Bộ GTVT đề xuất với Quốc hội và Chính phủ, xin cơ chế đặc biệt. Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh, là một đô thị đặc biệt, có vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM phải có cơ chế đặc biệt, quyết tâm đặc biệt trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông và phát triển đô thị theo hướng bền vững. TPHCM và Bộ GTVT phải phối hợp, đề xuất các cơ chế đột phá về quản lý, thu hút vốn đầu tư. Không chỉ trao đổi tại các hội nghị hợp tác thường kỳ, nếu có việc cần gấp, gọi điện thoại trao đổi hoặc “ngồi” lại với nhau để tháo gỡ ngay.

Xây cầu vượt, xử lý bến “cóc”, xe “dù”

Chỉ đạo những công việc, dự án cụ thể, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu phải cập nhật lại quy hoạch phát triển giao thông vận tải với các đồ án quy hoạch phát triển đô thị TPHCM và vùng TPHCM. Sở GTVT TPHCM triển khai đầu tư xây dựng ngay cầu vượt theo quy hoạch ở các nút giao thông để chống ùn tắc giao thông. Cùng với Công an TPHCM, Sở GTVT TPHCM tiến hành xử lý ngay các bến “cóc”, xe “dù”, đồng thời với việc nghiên cứu xây dựng các điểm đưa đón khách trong nội thành nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân mà vẫn đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Sở GTVT, các sở ngành liên quan rà soát lại quỹ đất công, nơi nào đang cho thuê không hiệu quả, vị trí nào tiện lợi, đảm bảo trật tự giao thông thì thu hồi, làm bãi, bến xe hoặc có thể kêu gọi xã hội hóa. Các quận, huyện phải báo cáo ngay cho Thành ủy, UBND TPHCM về việc cho thuê vỉa hè làm nơi buôn bán, đậu xe. Nếu cần, chấm dứt toàn bộ hoạt động này. Nơi nào vỉa hè, lòng đường lớn có điều kiện cho xe dừng, đậu thì cho dừng đậu (trong khuôn khổ cho phép) miễn phí. Bên cạnh đó, Sở GTVT phải đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng bãi đậu xe cao tầng hoặc bãi đậu xe ngầm, chiếm ít diện tích. Những dự án nào khởi công xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 phải được xác định rõ để lãnh đạo thành phố phối hợp với Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan hỗ trợ, chỉ đạo thực hiện cụ thể. Bộ GTVT và TPHCM sẽ phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông ở các cửa ngõ TPHCM, như đường cao tốc TPHCM - Bến Lức - Long Thành; giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là triển khai nhanh các dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ, TPHCM - Vũng Tàu, TPHCM - Nha Trang.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục