Đẩy nhanh đầu tư các dự án xử lý nước thải đô thị

Hiện nay, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị ở TPHCM mới đạt 12,6% tổng lượng nước thải. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư, xây dựng các nhà máy mới gặp khó khăn do nguồn vốn hạn chế và công tác vận hành một số nhà máy hiện hữu cũng còn nhiều bất cập.
Nước thải từ khu dân cư ở phường 9, quận 8 xả ra kênh Tàu Hủ
Nước thải từ khu dân cư ở phường 9, quận 8 xả ra kênh Tàu Hủ

Nước thải xả thẳng ra sông, kênh rạch

Vào mỗi buổi sáng, bà Lê Thị Hà (ở đường Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức) lại ghé dọc bờ sông Sài Gòn để tập thể dục, hít thở không khí. Bà Hà tâm sự, rất vui vì khu vực này đã được cải tạo rất khang trang, sạch đẹp, mọi người có không gian xanh mát để vui chơi, giải trí; nhưng niềm vui vẫn chưa trọn vẹn bởi mỗi lần tới gần bờ sông là mùi hôi tanh từ các đường cống thoát nước ở khu dân cư chảy thẳng ra sông xộc lên rất khó chịu...

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, không chỉ ở khu vực dọc sông Sài Gòn thuộc TP Thủ Đức mà còn rất nhiều khu vực khác như Bến Vân Đồn (quận 4), khu vực kênh Tàu Hủ (quận 8)... có nhiều ống thoát nước đấu nối từ các khu dân cư xả thẳng nước thải sinh hoạt ra sông, kênh, rạch. Nước từ trong đường ống chảy ra luôn có màu đen đục, mùi hôi tanh… Theo các chuyên gia về môi trường, nước thải sinh hoạt không được xử lý đúng quy định khi thải ra môi trường tự nhiên sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đất, nước và gián tiếp tác động xấu đến sức khỏe con người. Đặc biệt, có khả năng ảnh hưởng không tốt tới kế hoạch phát triển giao thông thủy gắn với du lịch của TPHCM.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay, thành phố có 7 nhà máy xử lý nước thải, trong đó có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, bao gồm: Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (công suất xử lý 469.000m3/ngày); Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (công suất xử lý 30.000m3/ngày); Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1, công suất xử lý 131.000m3/ngày).

Ngoài ra còn có 4 trạm xử lý nước thải trong khu dân cư (phi tập trung), gồm: Trạm xử lý nước thải Tân Quy Đông (phường Tân Phong, quận 7, công suất 500m3/ngày); Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, công suất 3.700m3/ngày); Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư 17,3ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức, công suất 3.000m3/ngày); Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư 38,4ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức, công suất 150m3/ngày).

Tổng công suất thiết kế xử lý nước thải của các nhà máy khoảng 644.200m3/ngày nhưng khả năng xử lý hiện nay mới đạt 40,8%. Theo đánh giá của Sở Xây dựng TPHCM, việc đầu tư, vận hành các nhà máy xử lý nước thải vẫn còn những khó khăn nhất định, trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư còn hạn chế.

Hạ tầng thiếu đồng bộ

Các cơ quan chức năng nhìn nhận, việc nhà máy xử lý nước thải hiện chưa chạy hết công suất cũng là một phần nguyên nhân làm cho công tác xử lý nước thải trên địa bàn thành phố chưa đạt tỷ lệ cao. Đơn cử như Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát có công suất 131.000m3/ngày nhưng hiện vận hành mới chỉ đạt 10% (số liệu thống kê của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng).

Lý giải về việc này, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, cách nay khoảng 10 năm, thành phố đã tính làm đồng bộ các tuyến cống phục vụ thu gom nước thải. Hệ thống thu gom này là một hạng mục của dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Dự án đã tính toán xây các tuyến cống chung (nước mưa, nước thải), cùng 6 giếng tách dòng để đưa nước thải về xử lý tại Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát... Tuy nhiên, do không thống nhất được với Ngân hàng Thế giới các điều khoản về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng nên năm 2017 dự án đã phải dừng, dẫn đến kế hoạch triển khai các hạng mục công trình, trong đó có hệ thống cống thu gom nước thải bị dở dang. Trong khi đó, Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000m3/ngày (giai đoạn 2) cũng được triển khai từ 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành do gặp nhiều vướng mắc, mặc dù hệ thống đường ống thu gom nước thải đã có. Theo tiến độ mới của dự án được duyệt, nhà máy dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Theo các chuyên gia, TPHCM đang có tốc độ đô thị hóa cao nhưng công tác xử lý nước thải tại các khu dân cư, khu đô thị lớn chưa theo kịp nhu cầu. Việc thiếu vốn để đầu tư các nhà máy xử lý nước thải là khó khăn lớn mà thành phố đang phải đối mặt. Để đáp ứng nhu cầu trong công tác xử lý nước thải đô thị, thành phố cần xem lại hệ thống cơ chế chính sách hiện hành để khơi thông nguồn lực, các chính sách thu hút đầu tư phải thay đổi theo hướng xã hội hóa, hợp tác đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đang vướng mắc trong thời gian qua.

Tại Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 29-10-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho TPHCM đầu tư 9 nhà máy xử lý nước thải mới. Cụ thể, nhà máy lưu vực số 2 (vị trí dự kiến đặt ở quận Tân Phú, công suất 230.000m3/ngày đêm); nhà máy lưu vực số 3 (huyện Bình Chánh, công suất 270.000m3/ngày đêm); nhà máy lưu vực số 4 (huyện Nhà Bè, công suất 132.000m3/ngày đêm); nhà máy lưu vực số 6 (quận 9 cũ, công suất 132.000m3/ngày đêm); nhà máy lưu vực số 7 (quận Thủ Đức cũ, công suất 230.000m3/ngày đêm); nhà máy lưu vực số 8 (quận 12, công suất 310.000m3/ngày đêm); nhà máy lưu vực số 10 (quận Bình Tân, công suất 180.000m3/ngày đêm); nhà máy lưu vực số 11 (huyện Hóc Môn, công suất 120.000m3/ngày đêm); nhà máy lưu vực số 12 (huyện Củ Chi, công suất 110.000m3/ngày đêm). Đến thời điểm hiện nay, tất cả các dự án này vẫn chưa được triển khai.

Tin cùng chuyên mục