Đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm tại quận 12

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn hai khu phố 4 và 5 của phường Đông Hưng Thuận (quận 12).
Đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm tại quận 12

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn hai khu phố 4 và 5 của phường Đông Hưng Thuận (quận 12).

Theo đó, trong 21 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường có 16 cơ sở di dời vào Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 3; 2 cơ sở tự nguyện chuyển đổi ngành nghề và 3 cơ sở tự tìm địa điểm di dời.  Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM). 

Một số nhà máy sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

PHÓNG VIÊN: Lộ trình di dời các cơ sở này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông CAO TUNG SƠN: Khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận (quận 12) là hai trong các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hiện nay, khu vực này còn 21 cơ sở hoạt động ngành nghề gây ô nhiễm như dệt nhuộm, sản xuất giấy, bao bì… với công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Theo kế hoạch của UBND TPHCM, thời gian hoàn tất việc di dời, chấm dứt hoạt động tại vị trí cũ là trước ngày 31-12-2016. Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức những đợt tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách hỗ trợ di dời của TP cho các cơ sở nắm rõ, đồng thời tư vấn hỗ trợ cho số lao động đang làm việc ở các cơ sở này tìm được việc làm mới.

Các cơ sở sản xuất nằm trong diện di dời cũng sẽ được hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ đất tại vị trí cũ theo đúng quy hoạch của TP để tạo thuận lợi về tài chính cho các cơ sở tái hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vấn đề vận động các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm di dời khỏi khu dân cư đã được TP thực hiện khá lâu nhưng vẫn tồn tại nhiều cơ sở cố tình không chấp hành. Liệu tình trạng này có lập lại tương tự với những trường hợp tại quận 12? 

 Sở dĩ các cơ sở gây ô nhiễm chậm di dời là do tâm lý ngại di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết cơ sở còn hạn chế nên không đầu tư thay đổi công nghệ sạch, công nghệ xử lý nước thải, chất thải. Tuy nhiên, để thực hiện triệt để kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm, lần này TP sẽ cương quyết thực hiện bằng được việc di dời, không cho các cơ sở gia hạn thêm thời gian di dời. Nếu các cơ sở nào vẫn còn chây ỳ, TP sẽ thực hiện việc cưỡng chế bằng các giải pháp như cắt điện, cắt nước hoặc đóng cửa các cơ sở.

Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 3 sẽ là nơi tiếp nhận các cơ sở di dời, vậy đến nay, khu công nghiệp này đã chuẩn bị được những gì để tạo điều kiện an toàn môi trường khi tiếp nhận những đơn vị trên?

Đến thời điểm này, Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 3 đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và có thể thực hiện giao đất cho các đơn vị khi chuyển đến để xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, hệ thống điện, nước phục vụ xây dựng cho các cơ sở cũng đã được hoàn tất. Hết quý 3-2016, Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 3 sẽ hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn theo quy định của TP để phục vụ các cơ sở di dời vào; đến giữa quý 4-2016, Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 3 sẽ hoàn tất các hạng mục công trình còn lại như đường nhựa, hệ thống cây xanh, hệ thống nước sinh hoạt...

Những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở quận 12 sẽ được nhận những chính sách hỗ trợ nào từ TP khi phải di dời địa điểm sản xuất?

Hỗ trợ đầu tiên và rất thiết thực của TP chính là hỗ trợ về địa điểm. Trước đây, vì không có địa điểm để di dời nên các cơ sở hết chạy chỗ này lại đến chỗ khác. Điều này không những không giải quyết được vấn đề ô nhiễm mà còn gây ra sự xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở. Hiểu được vấn đề này, TP xem việc hỗ trợ về địa điểm là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không chỉ các cơ sở ở phường Đông Hưng Thuận mà còn nhiều cơ sở khác rải rác trong TP. Hỗ trợ về địa điểm không chỉ giúp các cơ sở ổn định sản xuất lâu dài mà công tác xử lý môi trường cũng được xử lý tập trung hơn.

Ngoài hỗ trợ về địa điểm, các cơ sở còn được vay ưu đãi theo chương trình kích cầu của TP, vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) với lãi suất chỉ từ 4,9%/năm. Ngoài ra, các cơ sở cũng tiếp tục nhận được những ưu đãi từ Quỹ Kích cầu của Sở Kế hoạch và Đâu tư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị với UBND TP cho phép hỗ trợ 100% lãi suất vay chứ không phải 50% như trước đây đối với Quỹ Kích cầu. Hỗ trợ được như vậy thì các cơ sở mới có đủ vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, TP còn hỗ trợ các cơ sở di dời tiền thuê đất tại địa điểm mới trong các khu, cụm công nghiệp với giá cả ưu đãi và hợp lý nhất.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục