Trình độ tiếng Anh của sinh viên ĐH, CĐ ở nước ta năm thứ nhất rất thấp, chỉ có vài phần trăm đạt chứng chỉ B1 - tương đương bậc 3, số đông còn lại mất căn bản. Làm thế nào để đạt được mục tiêu đến năm 2020, sinh viên (SV) tốt nghiệp không chuyên ngữ phải đạt trình độ chuẩn ngoại ngữ đầu ra bậc 3 và có thể tự tin giao tiếp, sử dụng tiếng Anh trôi chảy?
Hoảng loạn vì nghe, nói không được…
Tại hội thảo “Triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường theo lộ trình của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 do ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 23-12, theo Th.S Bùi Thị Diệu Quyên, Khoa tiếng Anh ĐH Sư phạm Hà Nội, do trình độ tiếng Anh của SV chênh lệch, không đồng đều và có nhiều em gặp trở ngại về phát âm, không thể nghe, nói được nên hoảng loạn, sợ học ngoại ngữ. Phân tích thực tiễn, các nhà quản lý, chuyên gia ngoại ngữ đều cho rằng có quá nhiều rào cản, thách thức trong việc khởi động dạy tiếng Anh cho SV không chuyên ngữ.
Với xuất phát điểm của phần đông SV, nhất là SV các tỉnh, vùng sâu vùng xa có trình độ tiếng Anh quá thấp thậm chí không biết gì, thì nhiệm vụ phải cải thiện năng lực sử dụng ngoại ngữ, nâng bậc từ bậc 1 hoặc thấp hơn lên bậc 3 trong thời gian 4 năm học ĐH là bài toán nan giải.
Kết quả kiểm tra đầu vào đối với 2.113 SV khóa 40 - năm học 2014 - 2015 của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho thấy, chỉ có 80 SV đạt trình độ B1 tương đương bậc 3 khung tham chiếu châu Âu 6 bậc (chiếm 3,78%); 342 SV chiếm 16% đạt trình độ B2; 457 SV (chiếm 21,6%) đạt bậc 1; còn lại dưới trình độ bậc 1 (chiếm gần 60%). Thậm chí khi xét cụ thể từng nhóm trình độ, nhiều ngành như Văn học, Việt Nam học, Sư phạm hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý… không có hoặc chỉ có duy nhất 1 SV đạt bậc 3.
Tương tự, thực trạng đầu vào của SV ở ĐH Tây Bắc cũng cực kỳ thấp. Năm 2013, qua kiểm tra khảo sát ba kỹ năng nghe, đọc, viết tiếng Anh trình độ A2 đối với 920 SV, thì có đến 99% đạt trình độ AO. Kết quả đáng buồn này thôi thúc nhà trường xúc tiến mở lớp tiếng Anh thí điểm và hướng tới mục tiêu thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Thế là 30 SV được tuyển chọn từ gần 200 SV các khoa tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh đạt trình độ A1 tham gia lớp tiếng Anh tăng cường thí điểm. Ngoài cử giáo viên cốt cán của khoa ngoại ngữ dạy, nhà trường còn tăng số tiết học lên 700 tiết để SV có điều kiện học 4 kỹ năng.
Đầu tư cho chiến lược dài hơi
Để xây dựng chương trình tiếng Anh tăng cường cho SV sư phạm Toán, Tin học, Vật lý, Sinh học, Hóa học bằng tiếng Anh, từ năm 2013 - 2014, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tuyển sinh 141 SV để đào tạo cử nhân sư phạm. Kết quả khảo sát đầu vào của các ngành học cho thấy trình độ tiếng Anh của SV khoa Toán, Lý cao hơn so với các khoa khác. Tuy nhiên, trình độ tiếng Anh của nhóm này cũng chỉ đạt bậc 3 với tỷ lệ 25%, còn lại là bậc 2, thậm chí bậc 1.
Theo các giảng viên ngoại ngữ, với trở ngại trình độ ngoại ngữ của SV chênh lệch, thì thời lượng 375 giờ học (25 tín chỉ) không thể đủ cho việc nâng 2 bậc năng lực tiếng Anh cho SV, đặc biệt là số SV có năng lực đầu vào rất thấp - bậc 2 và bậc 1. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng nêu khó khăn chung khi triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường ở khối không chuyên ngữ là sĩ số SV ở các lớp học quá đông, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thiếu giáo trình chuẩn…
Đó là chưa kể một bộ phận không nhỏ SV chưa nhận thức được tính cấp bách quan trọng trong việc trang bị ngoại ngữ đạt chuẩn, sử dụng ngoại ngữ lưu loát mà chỉ chú trọng việc học để thi đậu là chính.
Từ những khó khăn, vướng mắc đặt ra, hội thảo đã bàn nhiều giải pháp nhằm triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường theo lộ trình của đề án ngoại ngữ. Theo đó, những đổi mới trong dạy và học tiếng Anh ở trường ĐH, nhất là khối trường sư phạm phải đồng bộ từ đổi mới chương trình môn học, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng, đảm bảo chuẩn đầu ra cho SV tốt nghiệp.
Ngoài kiến nghị chuẩn hóa chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường, chuẩn hóa đánh giá trình độ SV, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên…, hội thảo cũng đặt ra vấn đề đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh trực tuyến. Để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của SV, cần có chiến lược dài hơi, giải pháp tổng thể và mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài, kể cả trao đổi giảng viên.
Theo các chuyên gia, tiếng Anh hiện đại không còn là môn học tách rời, thuần túy về mặt ngôn ngữ như trước đây mà nó cần được giảng dạy kết hợp với các kỹ năng khác, môn học khác để phù hợp với môi trường làm việc hiện đại, đa văn hóa ở thế kỷ 21. Nếu chúng ta không chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, có hành trang ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế thì khó có thể hội nhập nhanh với khu vực và thế giới.
KHÁNH BÌNH