ĐBSCL: Nhiều doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết 2022

Để phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 sở công thương các tỉnh ĐBSCL như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp... đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng chục ngàn tấn hàng hóa các loại tham gia bán hàng bình ổn giá cho người dân.

Hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 bắt đầu dồn vào hệ thống phân phối của các siêu thị. Ảnh: Q.BÌNH
Hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 bắt đầu dồn vào hệ thống phân phối của các siêu thị. Ảnh: Q.BÌNH
Ngày 5-1, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị đã cùng các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trên địa bàn chuẩn bị khoảng 54.000 tấn hàng hóa các loại phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, trị giá trên 2.350 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ. 
Cụ thể, tỉnh tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: gạo các loại hơn 14.700 tấn; lương thực khác 2.527 tấn; thịt gia súc, gia cầm 3.733 tấn; thủy sản 5.398 tấn; hơn 10,5 triệu quả trứng; đường, sữa, bánh, mứt kẹo 1.436 tấn; rau, quả hơn 4.500 tấn…
Khoảng 15%-20% trong tổng lượng hóa nói trên sẽ được tỉnh Kiên Giang hỗ trợ kinh phí khoảng 3 tỷ đồng để vận chuyển sớm ngay trong tuần này ra các đảo thuộc huyện Kiên Hải, TP Hà Tiên, xã đảo Thổ Châu (thuộc TP Phú Quốc)…

Các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh Kiên Giang đều cam kết đảm bảo tiến độ sản xuất, dự trữ hàng hóa cung ứng đầy đủ theo kế hoạch và có phương án can thiệp kịp thời khi thị trường khan hiếm hàng hóa.

“Năm nay, nhiều người dân gặp khó khăn do vừa trải qua đại dịch Covid-19, do đó việc nhiều doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá có ý nghĩa hết sức thiết thực, góp phần cùng chính quyền giúp những người gặp khó khăn có được một cái Tết đủ đầy, no ấm” - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang nói.

* Tại An Giang, nhằm chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu của mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý. Sở Công thương tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường được thực hiện từ ngày 1-12 đến hết ngày 7-2. Hiện có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường, chuẩn bị lượng hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Dự kiến, tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm trước (trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… 342 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 1.000 tỷ đồng).

* Tại Đồng Tháp, Sở Công thương tỉnh này đã ban hành kế hoạch đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, đảm bảo số lượng, chủng loại hàng hoá thiết yếu phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc đầu cơ gây sốt giá thị trường, giá cả phải được niêm yết công khai và bán theo giá niêm yết.

Tin cùng chuyên mục