Cụ thể, tại Tiền Giang, UBND tỉnh này vừa ban hành Kế hoạch 325 về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp, HTX thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với tổng vốn hơn 443,6 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 98,4 tỷ đồng (chủ yếu là gạo, đường, dầu ăn, bột nêm, thịt gia súc và gia cầm…).
Còn tại Kiên Giang, tỉnh này dự kiến lượng hàng tiêu dùng trong dịp tết năm nay là 51.500 tấn hàng hóa các loại, tổng trị giá hơn 2.315 tỷ đồng (tăng khoảng 6,73% so với cùng kỳ). Hiện tại công tác chuẩn bị đã hoàn tất và doanh nghiệp tham gia cung ứng cam kết đảm bảo đủ hàng, không tăng giá.
Tại An Giang, theo Sở Công thương tỉnh này, kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đã được đơn vị xây dựng và triển khai trên địa bàn từ tháng 10. Năm nay, An Giang có 22 doanh nghiệp đăng ký 430 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 7 siêu thị, 54 cửa hàng Bách hóa Xanh, 20 cửa hàng Vinmart+, 6 cửa hàng của 4 doanh nghiệp kinh doanh gạo và 343 cửa hàng xăng dầu, gas của 9 doanh nghiệp tham gia. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, sản phẩm đóng hộp, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, mì gói, đường, sữa... nguồn hàng đã được chuẩn bị dồi dào và giá bán hợp lý.
Liên quan đến việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ cuối năm, hệ thống siêu thị Co.opmart khu vực miền Tây cho biết, hiện công tác chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đã được hoàn tất. Đơn cử, Co.opmart Cai Lậy đã phối hợp với các nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa theo kế hoạch chung về dự trữ, cung ứng hàng hóa mà siêu thị đã đăng ký với Sở Công thương Tiền Giang.
Dự kiến, khoảng 1 tháng nữa nguồn hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán sẽ có mặt trong chuỗi kinh doanh của siêu thị này. Đại diện siêu thị cho biết, các mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, gạo, nước mắm… đảm bảo dồi dào, không có biến động trong dịp tết.