Đề án 70.000 tỷ đồng - Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe các góp ý

Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” do Bộ GD-ĐT xây dựng và đang tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành, các nhà khoa học đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Dư luận băn khoăn với con số đầu tư 70.000 tỷ đồng và nhất là nội dung đề án thiếu thuyết phục, vẫn cách làm cũ và không thuận, theo kiểu “xây nhà từ nóc”.

(SGGP). – Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” do Bộ GD-ĐT xây dựng và đang tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành, các nhà khoa học đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Dư luận băn khoăn với con số đầu tư 70.000 tỷ đồng và nhất là nội dung đề án thiếu thuyết phục, vẫn cách làm cũ và không thuận, theo kiểu “xây nhà từ nóc”.

Hôm qua 13-6, trong một cuộc bàn luận về vấn đề này, trả lời việc vì sao đến thời điểm này vẫn chưa có đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, chưa có “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020” mà Bộ GD-ĐT lại chủ trương triển khai đổi mới chương trình, SGK, đó phải chăng là việc làm ngược, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2008 Bộ GD-ĐT đã khởi động việc xây dựng chiến lược giáo dục và đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến rộng rãi. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo bộ phận biên soạn tích cực hoàn thiện chiến lược giáo dục để thông qua.

Đánh giá về phản ứng của dư luận đối với đề án này trong thời gian qua, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vốn đầu tư quá lớn 70.000 tỷ đồng là điều đầu tiên gây “choáng”.

“Thế nhưng trong 70.000 tỷ đó có 65.000 tỷ để dành xây dựng trường sở, đầu tư trang thiết bị trường học, khoảng 300 tỷ để đào tạo giáo viên và 962 tỷ để biên soạn chương trình SGK mới. 962 tỷ đồng để thay toàn bộ chương trình SGK mới là không lớn. Nhưng điều mà dư luận khoăn là đề án đưa ra đã đúng chưa, có gì mới không”, ông Thuyết nói.

Trong khi đó, cũng theo GS Thuyết, đưa ra đề án lúc này là chưa đúng. Vì trước hết, phải có một kế hoạch tổng thể để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, không phải chỉ giáo dục phổ thông theo Nghị quyết ĐH XI của Đảng. Trên cơ sở chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam thì lúc đó mới bàn đến chuyện đổi mới SGK được.

Ngoài ra, đề án này chuẩn bị trên những phác thảo ý tưởng ban đầu, dưới dạng gạch đầu dòng 30 trang chứ chưa có nghiên cứu đầy đủ, chi tiết và cũng không có cái mới so với chương trình SGK hiện nay.

Sau khi lắng nghe phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia về đề án này trong thời gian qua, ông Vũ Đình Chuẩn cho rằng, nên chăng vẫn cứ song song làm cả chiến lược giáo dục và đề án đổi mới SGK nhưng đề án đổi mới SGK phải công bố sau chiến lược và phải chịu sự ước chế của Chiến lược giáo dục giai đoạn 2011 - 2020.

Ông Chuẩn cũng thông tin, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, sau khi lấy ý kiến rộng rãi về đề án đổi mới SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với tất cả giáo sư và nghe các ý kiến góp ý. Hiện Bộ trưởng đã yêu cầu lập danh sách các nhà quản lý giáo dục với 33 người, ngoài ra lập danh sách các nhà chuyên môn, trong đó có GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Hồ Ngọc Đại, GS Văn Như Cương… để góp ý kiến cho đề án này. 

L.NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục