Đề cử di tích Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới

Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp, nói rõ đã lựa chọn phương án “Lập hồ sơ đề cử di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê thuộc địa bàn tỉnh An Giang”.
Khu di tích khảo cổ Óc Eo
Khu di tích khảo cổ Óc Eo

Theo Bộ VH-TT-DL, từ năm 2020, UBND tỉnh An Giang có văn bản về việc đề nghị bộ đăng ký với UNESCO đưa báo cáo tóm tắt di tích văn hóa Óc Eo vào danh sách đề cử dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.

Có 3 phương án đề xuất là lập hồ sơ đề cử di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê thuộc địa bàn tỉnh An Giang; hồ sơ di tích thuộc 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang; hồ sơ di tích trên địa bàn 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Tuy nhiên, sau đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có văn bản đề xuất lựa chọn phương án 1.

Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Trên cơ sở đó, hiện nay Bộ VH-TT-DL đang lập hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi báo cáo tóm tắt về khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thuộc địa bàn tỉnh An Giang) tới UNESCO đề nghị đưa vào danh mục dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới trong thời gian tới.

Nền văn hóa cổ Óc Eo được phát hiện lần đầu qua các di chỉ ở núi Ba Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển mạnh ở khu vực đồng bằng Nam bộ, niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 7. Các di vật, di chỉ của nền văn hóa Óc Eo được khai quật hết sức phong phú về loại hình và đa dạng về chất liệu. 

Tin cùng chuyên mục