Dư luận Pháp đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học Cecilia Garcia - Penalosa và Etienne Wasmer của Hội đồng phân tích kinh tế - xã hội, một cơ quan tập hợp nhiều chuyên gia kinh tế cố vấn cho Thủ tướng Pháp.
Theo đó, Pháp hiện không đủ hấp dẫn để lôi kéo nhân tài trên thế giới cũng như không giữ chân được những nhà khoa học giỏi của nước này. Trên thực tế, Pháp đang bị thâm hụt về số người nhập cư có bằng cấp đến từ những nước giàu có. Số lao động ngoại quốc có tay nghề cao ở Pháp chủ yếu đến từ những quốc gia đang phát triển và chỉ tập trung ở lĩnh vực kinh doanh, công nghệ,
Trong khi đó, nhìn sang Mỹ, đây vẫn là miền đất thu hút nhiều nhân tài nhất, mà ví dụ điển hình là lượng các nhà nghiên cứu về vật lý có năng lực rời châu Âu sang Mỹ để sinh sống và làm việc chiếm tỷ lệ cao nhất. Dòng người nhập cư có chất lượng đã mang lại cho Mỹ nhiều tác động tích cực thể hiện qua chất lượng cải tiến khoa học và lượng các bằng sáng chế nộp hàng năm.
Lý giải về nguyên nhân, hai nhà khoa học trên cho rằng, sở dĩ Pháp không thể giữ chân được các du học sinh ưu tú nước ngoài như Anh và Hà Lan là do chính sách cấp visa cũng như môi trường cung cấp việc làm kém hấp dẫn. Các sinh viên ưu tú châu Âu thích ở lại Mỹ sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ là do họ có nhiều cơ hội được tuyển dụng từ các trường đại học danh giá. Trong khi đó, đối với những chuyên gia công nghệ, họ lại rất nhạy cảm với chính sách thuế khóa. Mức thuế lũy tiến về thuế thu nhập đóng một vai trò trong việc lựa chọn quốc gia làm việc. Theo tính toán, trong trường hợp mức thuế lũy tiến ở mức 60% của một quốc gia nào có thể giảm được 10 điểm, quốc gia đó có thể giữ được 1% các “ngôi sao” khoa học tại chỗ và thu hút thêm ít nhất 26% các nhà phát minh nước ngoài.
Pháp đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám gia tăng
Việc chảy máu chất xám có nguy cơ làm chậm lại đáng kể khả năng sản xuất cũng như phát triển khoa học của Pháp. Đứng trước thực trạng đáng báo động này, bên cạnh những khuyến nghị về chính sách cấp visa, thuế khóa và việc làm, Hội đồng phân tích kinh tế và xã hội còn cho rằng nên xem lại chính sách miễn học phí cho các sinh viên ngoài châu Âu, để Pháp có thể thu hút nhân tài.
Đề xuất này được nhiều cơ sở đào tạo danh tiếng và các trường đại học lớn ủng hộ từ nhiều năm nay, nhưng không nhận được phản hồi từ phía chính phủ. Về việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài, hai nhà khoa học đề xuất thành lập một cổng tiếp nhận duy nhất theo vùng để đón tiếp những sinh viên tài năng và đơn giản hóa thủ tục cấp visa bằng một hướng dẫn đầy đủ về hồ sơ tại các lãnh sự quán khi nộp hồ sơ xin visa dài hạn. Chỉ khi Chính phủ Pháp quyết tâm vào cuộc, thực hiện những chính sách thông thoáng để thu hút nhân tài, đất nước hình lục lăng mới có thể ngăn chặn được tình trạng chảy máu chất xám, ít nhiều đang tác động tới tốc độ phát triển của quốc gia châu Âu này.
MINH CHÂU