Đọc thông tin Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương vừa tuyên dương 15 tấm gương chống tham nhũng trên trang 3 Báo SGGP số ra ngày 5-6, tôi thật sự xúc động. Bởi lẽ tham nhũng là một trong những “quốc nạn” đã được nhà nước quan tâm phòng chống và nhân dân tôn vinh những tấm gương chống tham nhũng.
Ai cũng thừa nhận rằng: chừng nào còn tồn tại nạn tham nhũng thì chừng đó kinh tế, xã hội của đất nước sẽ rất khó phát triển, thậm chí còn bị trì kéo nặng nề. Do đó, đất nước ta cần có những chiến sĩ anh hùng tham gia vào mặt trận chống tham nhũng nhiều hơn nữa.
Theo tôi, 15 tấm gương chống tham nhũng trên cả nước là còn quá khiêm tốn, nên nhân rộng gấp nhiều lần những tấm gương này để tạo ra mạng lưới “tai mắt” chống tham nhũng mọi lúc, mọi nơi. Công tác chống tham nhũng là một mặt trận hết sức tinh vi, phức tạp, vì chống giặc ngoại xâm thì chúng ta xác định rõ kẻ thù đang ở trước mặt, nhưng chống tham nhũng thì “kẻ thù” giấu mặt. Họ có thể là những cán bộ có chức, có quyền; là những người quanh ta; có khi lại là chính bản thân ta khi không làm chủ được chính mình! Thực tế đã có không ít những người từng “vào sinh, ra tử”, không chết vì hòn đạn mũi tên của kẻ thù nhưng thời hòa bình họ lại “chết” vì những “viên đạn bọc đường”. Do vậy, tôi rất khâm phục những tấm gương chống tham nhũng, vì họ là những người có bản lĩnh, có niềm tin vào lẽ phải và tinh thần chấp nhận hy sinh gian khổ, đeo bám vụ việc đến cùng, quyết không bỏ cuộc.
Công tác chống tham nhũng ở nước ta tuy chưa rầm rộ nhưng đã thu về cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng và đưa ra xét xử nhiều “con sâu” trong bộ máy chính quyền, từng bước củng cố niềm tin của người dân. Đó là những việc làm đáng ghi nhận.
Ngoài nỗ lực chống tham nhũng của mỗi cá nhân, tập thể, theo tôi để công tác chống tham nhũng thật sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội, nhà nước cần có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng, không để họ đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiêm túc lắng nghe và ghi nhận những đơn thư tố cáo tham nhũng có cơ sở của người dân để xử lý kịp thời trên cơ sở “quân pháp bất vị thân” nhằm tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” hoặc cố tình bao che người vi phạm, thậm chí quay lại trù dập người tố cáo.
Về lâu dài, nhà nước cần vận động người dân thực hiện tốt Luật Phòng chống tham nhũng để góp phần đưa ra ánh sáng những kẻ tham nhũng, dù họ là ai và ở bất cứ cương vị nào.
MAI KHANH (TPHCM)