Để hương trầm bay xa

Xông trầm là phong tục quen thuộc với văn hóa của người Việt từ xa xưa. Không chỉ là sự giao thoa đẹp đẽ giữa phong thủy và tâm linh, tục xông trầm ngày xuân còn đem lại không gian thư giãn, giảm căng thẳng, chữa bệnh và xua đi những rủi ro, phiền muộn để mong một năm mới may mắn, ấm áp.

Theo người xưa, xông trầm là nghi thức phong thủy quan trọng, giúp tẩy uế trừ tà, lấy đi mùi ẩm, mốc, đem đến bầu khí tươi mới và trong sạch đem đến tài vượng cho ngôi nhà, đặc biệt mỗi khi gia chủ chuyển đến một không gian sống mới hoặc giao thời năm mới - cũ. Tục xông trầm chính là việc đốt trầm để hương thơm tinh túy của dầu trầm được lan tỏa khắp mọi ngóc ngách của ngôi nhà. Trong y học, trầm có tác dụng như một vị thuốc quý, chữa nhiều bệnh hiểm nghèo.

Chính vì những đặc tính ấy, người Á Đông rất thích chơi trầm, nên trầm hương xuất hiện rộng khắp trong rất nhiều hoạt động từ tâm linh, tín ngưỡng đến văn hóa, y dược học… Trầm hương được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá có nhiều công dụng. Ngày tết, đốt một nén nhang trầm với mùi hương thoang thoảng, thấy lòng tĩnh tại và an nhiên.

Trong cuộc sống hiện nay, cứ mỗi dịp xuân về, nhà nhà có thể dùng trầm để xông, bởi trầm bây giờ dễ mua, giá cả, hương trầm lại đa dạng và được bán công khai. Theo thời gian, trầm càng trở nên có giá trị khi có người chơi trầm với các thú vui như trầm phong thủy, trầm trang sức… Nhiều gia đình có điều kiện thường “săn” loại trầm cục nguyên khối, cất trong nhà như vật gia bảo.

Để hương trầm bay xa ảnh 1 Lễ dâng trầm tại dịp khai mạc Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa

Trong các loại trầm, thì kỳ nam là trầm có chất lượng cao nhất. Giá kỳ nam trên thị trường có lúc lên tới trên 20 tỷ đồng/kg. Loại dưới kỳ nam gọi là trầm hương. Trầm hương cũng có nhiều loại, giá trị tùy thuộc hàm lượng dầu, màu sắc, hương vị, hình dáng, trọng lượng, xuất xứ…

Trước đây, trầm hương là món hàng xa xỉ, lại là hàng quốc cấm nên rất quý hiếm và ít người dùng. Nhưng nay lệnh cấm đã bỏ, trầm hương đã có mặt khắp nhiều nơi trong cả nước. Hiện nay, trầm thiên nhiên ngày càng hiếm do bị khai thác cạn kiệt, thay vào đó, người dân bắt đầu trồng dó bầu để tạo trầm.

Cây dó bầu khi bị thương sẽ tiết nhựa ngay tại vết thương để tự làm lành. Theo thời gian, nhựa dó ngấm vào phần gỗ xung quanh sẽ tạo ra trầm. Trong các địa phương có trầm, Khánh Hòa nổi danh là xứ trầm hương vì rừng núi nơi đây có rất nhiều cây dó bầu mang trầm thiên nhiên.

Trong ca dao xưa có câu: “Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về”. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về thổ sản của tỉnh Khánh Hòa cũng ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương…”.

Cách đây hơn 10 năm, sau khi Nhà nước có chủ trương phát triển cây dó bầu thành cây trồng chiến lược, thì loại cây này bắt đầu được kỳ vọng tạo nên một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nét riêng cho đặc sản mang thương hiệu Việt Nam. Vậy nên, hiện trên dải đất Tây Nguyên và duyên hải miền Trung đã có hàng ngàn hécta dó bầu được trồng sau nhiều năm nghiên cứu.

Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa, chiến lược phát triển cây dó bầu hiện được Bộ NN-PTNT rất quan tâm, khi định hình đây là loại cây trồng có giá trị cao, cây làm giàu trong tương lai. “Trầm hương giờ không dừng lại ở lợi thế vốn có của nó, mà còn đi vào cuộc sống bằng việc tạo ra nước hoa, rượu, thuốc chữa bệnh… từ đặc trưng tinh dầu của cây dó bầu Việt Nam, mà ít nơi nào ngoài đất nước chúng ta có được. Hương trầm Việt Nam sẽ bay xa hơn nếu chúng ta có hướng đi đúng, phù hợp và có sự đồng thuận của người dân”, ông Tưởng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục