Để không lệ thuộc

Liên minh châu Âu (EU), ngày 19-2, đã công bố chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh lục địa già bị đánh giá là chậm chân so với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này. 

Sự chậm trễ của châu Âu trong lĩnh vực công nghệ cao có thể thấy rõ qua một số thống kê. Năm 2018, vào lúc Mỹ đầu tư 31 tỷ EUR cho lĩnh vực công nghệ mới, 28 nước thành viên của EU khi đó mới huy động được 6 tỷ EUR.

Trong 50 tập đoàn đang thống lĩnh thế giới về công nghệ cao, kỹ thuật số, có 5 gã khổng lồ lớn nhất là của Mỹ: Microsoft, Apple, Facebook, Google và Amazon; tiếp theo, từ hạng 6 đến hạng 10 là các doanh nghiệp châu Á (trong số này có 2 doanh nghiệp của Trung Quốc là Tencent và Alibaba). Về thị phần, các hãng Mỹ chiếm 70%, châu Á là 27%, châu Âu bị bỏ xa với 3%... 

Điều ngạc nhiên là châu Âu không thiếu nhân tài, các doanh nhân châu Âu nổi tiếng là có đầu óc sáng tạo và cũng không thiếu phương tiện để đầu tư vào các nền công nghệ tương lai. Nhưng từ năm 1996, giới quan sát đã báo động châu Âu đang mất dần thế thượng phong trong những lĩnh vực then chốt của nền công nghệ thế giới thế kỷ 21. Để dẫn đến sự tụt hậu này, nhiều ý kiến cho rằng do EU đã không có được một tầm nhìn xa về chính sách công nghiệp và đã quá “ngây thơ” khi tin vào hiệu quả của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xem tổ chức này như lá bùa hộ mạng trước những đòn cạnh tranh bất bình đẳng giữa các thành viên.

AI được cho là một công nghệ của tương lai và châu Âu mong muốn đi đầu trong lĩnh vực này. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách công nghệ số Margrethe Vestager cho biết EC sẽ xây dựng một hệ thống pháp lý thành công như bộ quy tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân trực tuyến GDPR mà khối này mới đưa vào áp dụng và nay đã trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực này. Dẫn ví dụ việc AI sử dụng ngôn ngữ người có thể giúp cải thiện các trải nghiệm của khách hàng nhưng cũng có nguy cơ bị lợi dụng để phát tán các tin tức giả mạo, bà Vestager nhấn mạnh xây dựng hệ thống pháp lý vì thế là ưu tiên trước nhất. Những lĩnh vực ứng dụng nhiều nguy cơ như y tế, an ninh hoặc giao thông sẽ có yêu cầu khắt khe hơn về tính minh bạch và con người giám sát.

EU cũng tham vọng tạo ra một thị trường dữ liệu chung, trong đó các công ty và các trường đại học có thể tự do tiếp cận “núi” dữ liệu điều khiển AI. EU không muốn các công ty của khối này phải phụ thuộc vào các hệ thống dữ liệu từ các đối thủ Mỹ và châu Á. Những công ty công nghệ như Siemens (Đức) hay Alstom (Pháp) được kỳ vọng sẽ góp phần đưa EU lên vị trí thống lĩnh làn sóng đột phá công nghệ sắp tới.

Bên cạnh đó, EU cũng dự định tạo ra các thị trường dữ liệu nhỏ hơn cho các ngành công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, khối này cũng xem xét buộc các công ty công nghệ lớn phải chia sẻ dữ liệu nếu không muốn bị phạt...

Trước khi chính thức trở thành luật, các kế hoạch dài hơi trên được cho là sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ những chiến dịch vận động hành lang của các hãng công nghệ lớn cũng như phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Nhưng dù khó khăn đến đâu, châu Âu cũng chỉ có một con đường là tiến lên phía trước, tự cường về công nghệ nếu không muốn phải lệ thuộc vào Mỹ hoặc Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục