Đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định tiền lương tối thiểu vùng năm 2021

Ngày 24-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.


Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Tổng LĐLĐ ngày 24-12
Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Tổng LĐLĐ ngày 24-12

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vấn đề đời sống, việc làm và phong trào của giai cấp công nhân rất quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị. Do đó, Chính phủ họp với LĐLĐ nhằm hoạch định phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tới, nhất là xung quanh việc tạo điều kiện, việc làm, nâng cao mức sống của công nhân.

Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết đến công nhân, lao động trên mọi miền Tổ quốc. Công nhân chính là những người làm ra của cải vật chất trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, góp phần cho tăng trưởng phát triển. “Chúng ta phải biết ơn, cảm ơn giai cấp công nhân Việt Nam đã ngày đêm lao động miệt mài để phát triển đất nước, vượt qua thách thức”-Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị bàn giải pháp giải quyết việc làm bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, nhất là cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động nước ta trong thời gian tới.

Theo báo cáo do Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Đình Khang trình bày, tính đến nay, cả nước có khoảng 53,5-54 triệu người từ 15 tuổi trở lên có việc làm (nữ chiếm khoảng 48%); số lượng lao động làm công hưởng lương là khoảng 24-24,5 triệu người, trong đó, công nhân lao động trong các doanh nghiệp chiếm trên 60%.

Trong 5 năm qua, công nhân lao động trong các doanh nghiệp đã tăng khoảng 26%. Sau 5 năm, số công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm; mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35% góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động.

Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn, quý IV/2020, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (lương cơ bản) của công nhân lao động là 5,22 triệu đồng/tháng, tiền lương làm thêm giờ là 934.000 đồng/tháng, tổng tiền thưởng, chuyên cần là 2,1 triệu/tháng, tổng thu nhập thực tế là khoảng 7,4 triệu đồng/tháng. Tiền lương tháng thực nhận của công nhân lao động phân theo vùng lương trung bình giao động từ 6,860-8,301 triệu đồng/tháng. Tính đến năm 2019, sau 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đã có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 22,6% lực lượng lao động trong độ tuổi cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớn công nhân lao động có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn. Đặc biệt, năm 2020 tác động của đại dịch Covid-19 đã làm 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng. Trong đó 68,9% lao động bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ việc. Có không ít công nhân lao động đã bị mất việc và ra khỏi dây chuyền sản xuất sau khi đã làm việc trong thời gian tương đối dài cho doanh nghiệp (sau nhiều lần ký hợp đồng lao động ngắn hạn) để doanh nghiệp tuyển lao động mới. Bên cạnh đó, tình hình quan hệ lao động tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động còn khá phổ biến, gây nên bất bình, mâu thuẫn và tranh chấp lao động, số vụ đình công giảm nhưng đã xuất hiện những yếu tố ngoài quan hệ lao động tác động đến các vụ đình công, gây mất an ninh và trật tự an toàn xã hội.

LĐLĐ đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.  

Về tiền lương của công nhân lao động, đề nghị chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia, làm cơ sở để các bên thương lượng, đề xuất tiền lương tối thiểu vùng hằng năm khách quan, công bằng. Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia họp vào quý II/2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ thương lượng, thống nhất và trình khuyến nghị tới Chính phủ xem xét, quyết định tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Xem xét, sửa quy định, để từ năm 2022, việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ 1-7 hàng năm. Thực tiễn cho thấy, mỗi khi tăng lương, ít nhiều giá cả các mặt hàng, dịch vụ tăng. Việc tăng lương tối thiểu từ 1-7 vừa hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp về tài chính vào dịp Tết Nguyên đán, vừa giảm được một lần tăng giá trong năm, nhất là vào thời điểm giáp Tết.

Tin cùng chuyên mục