Đề nghị đánh thuế đất đầu cơ bỏ hoang

Ngày 9-3, tại Hà Nội, TPHCM nhiều hội nghị, hội thảo đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã diễn ra. Tại các diễn đàn này nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế xác định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường; giữ bằng được 3,5 triệu ha đất trồng lúa…
Ông Bùi Văn Phòng, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo tỉnh Thái Bình, nguyên Phó chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi)
Ông Bùi Văn Phòng, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo tỉnh Thái Bình, nguyên Phó chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhiều nội dung chưa phù hợp thực tiễn

Tại hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với một số cơ quan tổ chức, trong vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều đại biểu nhấn mạnh, dự thảo luật cần đưa ra được phương án bồi thường đất bị thu hồi như thế nào trong các trường hợp thu hồi đất cho dự án sử dụng vào mục đích kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; có cơ chế xác định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường.

Theo PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội), Điều 89 dự thảo luật sửa đổi đã kế thừa tinh thần nội dung Khoản 3, Điều 42 Luật Đất đai năm 2013 khi quy định một trong các nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

“Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã chứng tỏ quy định này không thực sự phù hợp, gây ra cách hiểu khác nhau về “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” giữa các địa phương, giữa các cơ quan tổ chức thực thi luật dẫn đến cách áp dụng không thống nhất trên thực tế”, ông Tuyến băn khoăn và đề nghị bổ sung một số tiêu chí đánh giá điều kiện sống của người có đất bị thu hồi trước và sau khi Nhà nước thu hồi đất.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV thì nhận định, dự thảo luật đã có nhiều điểm mới liên quan đến quy định về cơ chế tài chính đất đai và giá đất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo tính thống nhất, khoa học; trong khi đây lại là nội dung quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan và cũng là vấn đề phức tạp, nhạy cảm; cần được tập trung tháo gỡ một cách toàn diện, căn cơ và nhất quán hơn.

Còn tại hội nghị góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức, ông Bùi Văn Phòng, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ tư pháp cho người nghèo tỉnh Thái Bình, cho rằng, Luật Đất đai 2013 chưa có quy định cụ thể, rõ ràng mục đích đất bị thu hồi, trong khi điều này có liên quan mật thiết đến giá đền bù. Thực tế, tại Thái Bình, mức đền bù đất bị thu hồi thấp hiện chỉ vào khoảng 78 triệu đồng/sào (360m2) đối với khu vực thành phố, 69 triệu đồng/sào với đất thị trấn, thị xã... Tuy nhiên, sau khi thu hồi các chủ đầu tư đã phân lô, bán nền có mức giá lên tới vài chục triệu/m2. Thu giá rẻ, rồi bán nền với giá gấp hàng trăm lần, điều này đã gây bức xúc trong dân, đặc biệt là những người bị thu hồi đất.

Bảo vệ bằng được 3,5 triệu ha đất trồng lúa

Ngày 9-3, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung góp ý của hội thảo này tập trung vào chương XI, quy định về tài chính về đất đai, giá đất. Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM, đây là chương còn nhiều ý kiến tranh luận, rất cần thêm ý kiến của những người trực tiếp tham gia vào các công đoạn xác định tài chính về đất đai, giá đất để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng, 6 điều quy định về tài chính đất đai trong dự thảo chưa giải quyết được 3 mục tiêu chính về tài chính đất đai. Đó là mục tiêu điều tiết một phần giá trị gia tăng trong quá trình đô thị hóa từ đất nông nghiệp vào ngân sách nhà nước; kiểm soát đầu cơ đất gây bất ổn thị trường bất động sản, làm méo mó cung cầu, đẩy giá đất, bỏ đất hoang; góp phần điều tiết, phân bố dân cư và thực hiện chính sách nhà ở. Ông đề nghị đưa vào luật này quy định đánh thuế đất ở, đất thương mại dịch vụ đang đầu cơ bỏ hoang, nhất là các khu đô thị mới và đất ở nông thôn. Bởi thực tiễn cho thấy việc áp dụng các biện pháp hành chính không hiệu quả, mà phải áp dụng công cụ tài chính để thị trường tự điều tiết.

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 9-3, ông Vũ Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ NN-PTNT (Ban Kinh tế Trung ương) đề nghị, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần ghi rõ “phải bảo vệ bằng được 3,5 triệu ha đất trồng lúa”. Bởi, trong Kết luận số 31 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực cũng đã ghi rõ 3,5 triệu ha đất trồng lúa là bất di bất dịch.

Cùng đề nghị bảo vệ bằng được 3,5 triệu ha lúa và nông nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, khẳng định, tại Việt Nam, đất nông nghiệp đang bị mất, chuyển mục đích sử dụng rất nhiều. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 125 triệu dân, tăng gần 30 triệu dân thì chưa chắc đủ dư để xuất khẩu 7 triệu tấn gạo như hiện nay. Tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta có thể trồng cam, thanh long, vải... nhưng nhất quyết không thể mất đất nông nghiệp.

Tổng hợp ý kiến nhân dân phải trung thực, khách quan, “gạn đục khơi trong”

Chiều 9-3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ TN-MT, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, kết quả tổng hợp bước đầu cho thấy, có nhiều ý kiến của nhân dân đóng góp rất sâu sắc, toàn diện, rất có giá trị. Ngoài những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, đã có nhiều ý kiến góp ý vào từng điều khoản, từng nội dung cụ thể của dự án luật. Do vậy, trong quá trình tổng hợp ý kiến cần nêu cao tinh thần trung thực, khách quan, vô tư, “gạn đục khơi trong”; tôn trọng mọi ý kiến góp ý của nhân dân, không để bất cứ ý kiến nào của nhân dân không được tiếp thu, giải trình. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lựa chọn một số vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án luật để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến, tổ chức tọa đàm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn.

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật sẽ kết thúc vào ngày 15-3. Ngày 25-3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục