(SGGP).- Ngày 25-9, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức hội thảo về dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Hội thảo đã nghe 12 ý kiến đóng góp hầu hết các nội dung của dự thảo nghị định. Có 2 nhóm vấn đề được các đại biểu chú ý đó là góp ý về hậu quả, mức thiệt hại của hành vi vi phạm và mức xử phạt tương ứng.
Chẳng hạn tại điểm b, khoản 1, Điều 5 phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại phương tiện của nhà báo. Mức phạt này thấp, bởi trên thực tế, phương tiện của nhà báo như máy ảnh, máy tính, camera… có giá trị hàng chục triệu đồng, do vậy không chỉ phạt tiền mà phải yêu cầu đền bù tương xứng.
Nhóm ý kiến thứ hai là làm rõ các nội dung lẫn phạm vi các khái niệm liên quan đến hành vi nhằm tăng tính khả thi của biện pháp chế tài. Ví dụ tại điểm a, khoản 2, Điều 7 là phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với các hành vi “Tự ý thêm bớt, cắt xén hoặc thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí”. Điều này có thể mâu thuẫn với nghiệp vụ biên tập của báo chí; nên chăng chỉ xử phạt đối với hành vi “thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn”.
Ngoài ra, một số ý kiến còn đề cập đến chế tài trách nhiệm, hành vi của các cơ quan chủ quản báo chí; liên kết các hoạt động báo in, xuất bản như đối với hoạt động truyền hình hiện nay; vấn đề xuất nhập khẩu các ấn phẩm báo chí…
Tuy nhiên, như kết luận của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, đây là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi vi phạm đã được nêu ra trong các văn bản dưới luật liên quan. Trong lĩnh vực quản lý báo chí có một số nội dung quy định chưa theo kịp thực tiễn của hoạt động báo chí hiện đại, sẽ tiếp tục hoàn thiện.
T.Kha