Đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia: Độ phân hóa cao, vận dụng thực tế nhiều

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa các bài thi THPT quốc gia 2017, nhiều chuyên gia, giáo viên nhận định đề thi vừa sức, độ phân hóa cao và tỷ lệ câu hỏi vận dụng thực tế nhiều hơn.
Về đề thi môn Toán, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nguyễn Du TPHCM nhận xét, đề thi minh họa rất hay và bao quát hết chương trình lớp 12. Đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó theo 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao). Điều quan trọng là đáp án của đề không phân bổ theo công thức mặc định mà được chọn ngẫu nhiên (học sinh nào chọn  hết đáp án B sẽ chỉ được 1 điểm và bị điểm liệt).
Theo một số giáo viên, ở mỗi chương học đều có những câu hỏi khó, có tính sáng tạo và đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức gốc, biết cách vận dụng để giải bài nhanh.
Cái hay của đề Toán là có nhiều bài mang tính ứng dụng thực tế, đi đúng tinh thần đổi mới thi cử là tăng tính ứng dụng, thực hành, không đặt nặng kiến thức suông. 
Đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia: Độ phân hóa cao, vận dụng thực tế nhiều ảnh 1 Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017
Với đề thi môn Lý, thầy Bùi Như Lạc (Trường THPT Nguyễn Du) nhận xét, câu hỏi của đề thi đều nằm trong chương trình lớp 12, rải đều ở các chương và không có những câu thuần túy lớp 10, lớp 11.
Nhìn chung, đề tham khảo khá nhẹ nhàng, phù hợp với thời gian thi là 50 phút, phân loại từ dễ đến khó để tìm học sinh khá và giỏi. Tuy nhiên, điểm khác biệt là năm nay số câu lý thuyết khá nhiều, đòi hỏi thí sinh cần học thật kỹ phần lý thuyết. 
Đối với môn Hóa, nhiều giáo viên nhận định đề thi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó và mức phân hóa cao, kiểm tra được kiến thức, kỹ năng làm bài của học sinh. Số câu hỏi ở mức độ hiểu vận dụng chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70%), độ khó cao và chỉ những học sinh thật sự xuất sắc mới đạt được điểm 9 - 10. Đối với môn Ngữ văn, cô Hồ Thị Tuyền, Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT Nhân Việt, nhận xét: “Hình thức đề thi năm nay không có thay đổi nhiều so với 2 lần minh họa 1 và 2. Đề thi không có câu hỏi đánh đố mà tập trung vào kỹ năng cảm thụ, trình bày, lập luận của học sinh. Dạng câu hỏi ở phần đọc hiểu thể hiện được các cấp độ nhận thức của của học sinh, tuy nhiên nghiêng nhiều về cấp độ thông hiểu, vận dụng. Vì thế, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ văn bản, có tư duy phân tích, lý giải vấn đề để đáp ứng yêu cầu của dạng câu hỏi này. Phần làm văn đòi hỏi học sinh không chỉ trình bày kiến thức mà còn phải chú trọng đến kỹ năng lập luận. Hơn nữa, cách đặt câu hỏi cũng khá thú vị, khơi gợi học sinh bày tỏ ý kiến, cảm nhận riêng của bản thân".  Riêng về môn Sinh, thầy Trần Ngô Định Công, giáo viên môn Sinh, Trường THPT Nhân Việt, lo ngại: Đề thi minh họa trở về dạng đề truyền thống những năm gần đây (2015, 2016) và thể hiện rõ mức độ khó, nhiều toán, nhiều câu đếm số đáp án đúng khiến thí sinh khó chọn phương pháp ôn luyện. Về môn thi Giáo dục công dân, các giáo viên cũng nhận định đề thi có sự phân hóa cao và các câu hỏi đều vận dụng kiến thức thực tế nên tương đối khó đối với học sinh có học lực trung bình. Đặc biệt, để đạt điểm 9-10 càng rất khó, đòi hỏi học sinh phải sáng tạo, có kiến thức nền tảng vững, biết liên hệ đời sống thực tiễn.
Về đề thi môn Sử, Địa, một số giáo viên nhận định đề thi bám sát chương trình lớp 12, nhưng nhiều câu hỏi quá khó, yêu cầu vận dụng thực tế ở mức độ cao nên khả năng đạt điểm 7 - 8 không nhiều.

Về môn tiếng Anh, nhiều ý kiến có chung quan điểm: đề thi không có gì mới, nếu không muốn nói khá cũ và rất giống trong các bộ đề cương ôn tập. Vì thế, học sinh trung bình dễ dàng đạt 5 điểm và tỷ lệ điểm dưới trung bình, thậm chí là điểm liệt sẽ được hạn chế rất nhiều so với đợt thi 2016.
TPHCM có 114 điểm thi với 3.057 phòng thi

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, kỳ thi THPT năm nay, cụm thi TPHCM có 71.500 thí sinh đăng ký dự thi; có gần 5.700 thí sinh tự do đăng ký dự thi lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng; trên 3.200 thí sinh thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT; 66% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên, gần 34% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội.

TPHCM có 114 điểm thi với 3.057 phòng thi, bố trí ở tất cả 24 quận, huyện trên địa bàn nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia kỳ thi. Để đảm bảo công tác tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, Sở GD-ĐT TPHCM huy động khoảng 9.000 giáo viên, giảng viên làm công tác coi thi...

Tin cùng chuyên mục