Đề xuất cơ chế đặc thù phù hợp hơn với TPHCM

“TPHCM có nhiều nguồn lực nhưng đang vướng cơ chế để phát huy nguồn lực ấy. Nếu TPHCM xác định đúng trọng tâm, đề xuất đúng cơ chế thì sẽ giải phóng được các nguồn lực, thúc đẩy cho sự phát triển của thành phố”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định.

Chiều 16-11, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị số 9 gồm các ĐB: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM; Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4, 7, huyện Nhà Bè và Cần Giờ.

Đề xuất cơ chế đặc thù phù hợp hơn với TPHCM ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời cử tri

Buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức trực tuyến tại 13 điểm cầu. Điểm cầu chính tại UBND quận 7; 12 điểm cầu tại quận 4, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và các phường của quận 7.

Cần chuyển giao hệ thống y tế cơ sở về quận, huyện

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đinh Thế Quý (phường Tân Phong, quận 7) kiến nghị về dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng tại TPHCM. Theo cử tri Đinh thế Quý, dự án được người dân mong đợi sẽ cải thiện điều kiện sống của người dân. Dù vậy, sau hơn 5 năm khởi công, dự kiến là tháng 4-2018 đưa vào sử dụng nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. Đây là bức xúc của người dân TPHCM nói chung và người dân khu vực phía Nam TP nói riêng. Cử tri mong muốn Trung ương và TPHCM nhanh chóng có chính sách để đẩy nhanh thi công, sớm hoàn thành dự án, để người dân không phải sống trong tình trạng ngập nước.

Đề xuất cơ chế đặc thù phù hợp hơn với TPHCM ảnh 2 Cử tri quận 7 kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri

Đề cập việc một số nền tảng mạng xã hội đang có thông tin trái chiều về các hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ, cử tri Nguyễn Thị Thu (xã Long Thới, huyện Nhà Bè) đánh giá các sự việc trên phần nào gây mất đoàn kết trong nhiều gia đình và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người trẻ. Qua đó, cử tri Nguyễn Thị Thu đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ và có quy định rõ ràng trong hoạt động từ thiện để không ảnh hưởng đến truyền thống "tương thân tương ái", “lá lành đùm lá rách” của người Việt.

Cử tri Huỳnh Ngọc Thu (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) cho rằng qua công tác phòng, chống dịch cho thấy lực lượng y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng. Song, thực tế việc đãi ngộ cho lực lượng này chưa thỏa đáng, đầu tư trang thiết bị cho y tế cơ sở cũng chưa hợp lý. Cử tri kiến nghị có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho lực lượng y tế tại cơ sở.

Ngoài ra, cử tri Huỳnh Ngọc Thu cũng trăn trở, hiện trung tâm y tế quận, trạm y tế các phường chủ yếu phục vụ y tế cộng đồng tại xã, phường, thị trấn nhưng việc quản lý lại do Sở Y tế TPHCM quản lý, dẫn đến khó trong việc điều động cũng như đầu tư các trang thiết bị cho hệ thống y tế cơ sở. Ông Thu kiến nghị nên chuyển y tế cơ sở về cho địa phương quản lý.

Ngoài ra, các cử tri cũng quan tâm hiệu quả của Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; về phát triển Cần Giờ...

Quyết tâm cải thiện điều kiện ở, sinh hoạt cho người dân

Thay mặt tổ ĐBQH, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận các kiến nghị của cử tri và sẽ trả lời bằng văn bản đến cử tri.

Về dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), theo Chủ tịch UBND TPHCM, trong quá trình triển khai, dự án gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tháo gỡ cho TPHCM. Dù vậy, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, thời gian qua, TPHCM tập trung cao độ cho phòng, chống dịch nên chưa tập trung nhiều cho dự án. Mới đây, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành rà soát lại các vấn đề của dự án và tập trung tái khởi động.

“Đây là việc lớn, khó, tập trung rà soát, việc nào vướng ở Trung ương thì đeo bám các bộ, ngành để thúc đẩy tháo gỡ", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ và khẳng định sẽ chỉ đạo các sở ngành, làm việc với các bộ ngành để thúc đẩy dự án hoàn thành nhanh nhất có thể.

Liên quan đến Nghị quyết 54 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, việc tổ chức thực hiện của thành phố chưa hiệu quả như mong đợi, chỉ được một vài nội dung.

Theo đồng chí, từ đây đến khi tổng kết Nghị quyết 54, TP sẽ cố gắng mở ra các nội dung đã quy định, tập trung thực hiện các nội dung khả thi để có thêm nhiều thực tiễn, qua đó có đánh giá cụ thể hơn. Thành phố cũng sẽ đề xuất Trung ương ban hành nghị quyết mới, trong đó có cập nhật, điều chỉnh với mục tiêu có cơ chế đặc thù phù hợp hơn với TPHCM.

“Tôi đánh giá TPHCM có nhiều nguồn lực nhưng đang vướng cơ chế để phát huy nguồn lực ấy. Nếu TPHCM xác định đúng trọng tâm, đề xuất đúng cơ chế thì sẽ giải phóng được các nguồn lực, thúc đẩy cho sự phát triển của thành phố”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Đề xuất cơ chế đặc thù phù hợp hơn với TPHCM ảnh 3 Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Về công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, TPHCM tiếp tục triển khai các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh. Trong đó tập trung vào 3 trụ cột chính.

Đối với trụ cột kiểm soát dịch, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá dịch bệnh có thể tăng nhưng phải phát hiện kịp thời, quản lý được, chăm sóc được người mắc Covid-19, không để bệnh nhân chuyển nặng, hạn chế tình trạng tử vong. Đồng chí cũng yêu cầu phải thiết kế hệ thống giám sát cảnh báo dịch, đặc biệt là phải củng cố hệ thống y tế cơ sở.

Thông tin thêm với cử tri, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết Quốc hội cũng thống nhất giao lại trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện; trạm y tế cho quận, huyện quản lý, Sở Y tế chỉ quản lý về chuyên môn. Qua đó, các địa phương phải tập trung chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả trong quản lý con người…. để phát triển mạnh mẽ y tế cơ sở. Từ đây đến cuối năm, Sở Y tế TPHCM cũng có chiến lược củng cố nhân lực về cho tuyến y tế cơ sở.

Về trụ cột phục hồi và phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, UBND TPHCM đang xây dựng xong chương trình phục hồi kinh tế, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, mới đây Trung ương đã có hàng loạt chính sách để hỗ trợ nhóm đối tượng này. Thành phố sẽ tổ chức để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận được với các chính sách của thành phố. Chủ tịch UBND TPHCM tin tưởng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn, nhân lực để phục hồi.

Riêng về trụ cột thứ 3 là an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định trong kế hoạch phát triển nhà ở của TPHCM giai đoạn 2020-2025, UBND TPHCM đang khẩn trương triển khai chương trình nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp; thay thế nhà trên, ven kênh rạch và các khu nhà trọ có mật độ dân cư đông.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định đây là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM để cơ bản giải quyết “điểm đen” về nhà ở để giãn mật độ nhằm quyết tâm cải thiện điều kiện ở, sinh hoạt cho người dân. Cùng với đó, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhất là chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, các trường hợp dễ bị tổn thương vì đại dịch từ nay cho đến Tết Nguyên đán sắp tới.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) hiện đã thi công đạt 90% và thành phố đang tái khởi động, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Về xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, theo Sở Xây dựng, dự kiến đến năm 2025, TPHCM sẽ tăng khoảng 5 triệu m2 sàn để phục vụ nhà ở xã hội cho người dân. Đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư, người dân có nhu cầu xây dựng nhà lưu trú, nhà trọ công nhân.

Tin cùng chuyên mục