Đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM

Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận, nghiên cứu các đề xuất của TPHCM, trong đó có việc nghiên cứu thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM.

Ngày 19-4, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, 1 năm thực hiện Thông báo 30-TB/TW và Kết luận 17-KL/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Kết quả còn hạn chế

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM thông tin, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, các cơ quan, đơn vị của TPHCM đã xây dựng đề án tinh giản biên chế và đề ra lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2015-2021 và từng năm.

Trong đó, xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế được giao năm 2015. TPHCM cũng thực hiện nghiêm việc tuyển dụng không quá 50% biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã tinh giản và không quá 50% biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc.

Để thực hiện tốt việc tinh giản biên chế, Thành ủy cũng chủ động giao biên chế giảm dần hằng năm, từ đó cắt giảm biên chế để từng bước tiệm cận với biên chế Trung ương giao.

Tại hội nghị, lãnh đạo các quận, huyện ủy cùng lãnh đạo một số đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã nêu các giải pháp, kinh nghiệm cụ thể trong việc tinh giản biên chế. Một trong những giải pháp đáng quan tâm là việc lấy kết quả thực hiện tinh giản biên chế làm tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả công việc của người đứng đầu.

Qua đó, một số nơi đã không đề bạt, bố trí hoặc bổ nhiệm lại người đứng đầu và cấp phó phụ trách thực hiện tinh giản biên chế không hiệu quả. Bằng sự quyết liệt này, kết quả biên chế ở một số nơi là rất tốt, như 3 năm qua, quận 2 giảm hơn 540 người, giảm hơn 18%.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho biết, đến nay TPHCM đã cắt giảm 559 biên chế hành chính (năm 2018 giảm 4,75% biên chế so với năm 2016) và giảm hơn 12.520 số người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập biên chế sự nghiệp (năm 2018 giảm hơn 10,5% so với năm 2016).

TPHCM cũng khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp. Đến giữa năm 2018 có 40 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, giảm giao biên chế hơn 23.510 người.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải khẳng định, TPHCM đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 39, đồng thời gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. TPHCM còn chủ động ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với các trường hợp tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi để đẩy nhanh tiến độ tinh giản biên chế. Tuy vậy, số lượng biên chế, nhất là biên chế hành chính của TPHCM hiện còn khá cao so với biên chế của Trung ương giao.

Đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM ảnh 1 Đồng chí Mai Văn Chính, Phó Ban Tổ chức Trung ương trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xếp loại công việc dựa vào kết quả tinh giản biên chế

Tại hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận xét, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp thực hiện tinh giản biên chế, gắn với những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. TPHCM cũng chuyển đổi hàng loạt các đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sang tự thu, tự chi.

“Đây là hướng đi tạo chuyển biến tốt”, đồng chí Mai Văn Chính nhận xét nhưng cũng cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở TPHCM chưa đạt yêu cầu đề ra. Tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ nhà nước vẫn còn cao; số lượng biên chế hành chính của TPHCM vẫn còn chênh lệch lớn so với số Bộ Nội vụ giao…

Đồng chí Mai Văn Chính phân tích, việc sắp xếp bộ máy, biên chế là đụng đến cán bộ, công chức, về con người cụ thể. Đây là vấn đề rất khó và nhiều nơi gặp lúng túng trong thực hiện. Do đó, đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng và HĐND và MTTQ của TPHCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó đôn đốc, nhắc nhở để đẩy nhanh kết quả tinh gian biên chế.

Đồng chí Mai Văn Chính cũng lưu ý Thành ủy TPHCM tiếp tục quan tâm, thực hiện quyết liệt các chủ trương này, nhằm góp phần đảm bảo đến cuối năm 2021, cả nước hoàn thành theo kế hoạch của Nghị quyết 39.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc tinh giản biên chế, nhằm giảm chi thường xuyên, tạo thêm nguồn để chi đầu tư phát triển.

Ý thức được vấn đề này cũng trách nhiệm thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng các kế hoạch, chương lãnh đạo, chỉ đạo tinh giản biên chế; bổ sung chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi…

“Các cơ quan, đơn vị của TPHCM đã khởi động tích cực, tạo chuyển biến tốt. Một số đơn vị đã giảm được hơn 10% nhưng tiếc là đây chỉ là những trường hợp cá biệt”, đồng chí Trần Lưu Quang bày tỏ.

Nhìn chung kết quả tinh giản biên chế vẫn chưa đạt yêu cầu. Chẳng hạn, biên chế hành chính năm 2018, Bộ Nội vụ giao cho TPHCM chỉ 8.000 người nhưng biên chế thực hiện lên đến 11.000 người. Vì vậy, đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu cần quyết liệt và chủ động trong thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39.

Về giải pháp, đồng chí yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực thuộc Thành ủy cũng như các đoàn thể chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập của TPHCM cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt và tổ chức kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức thực hiện.

“Thời hạn thực hiện Nghị quyết 39 không còn nhiều, nên cần tập trung”, đồng chí Trần Lưu Quang cảnh báo và yêu cầu nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 39, bằng sự nỗ lực, quyết liệt và chủ động tinh giản biên chế. Việc lấy kết quả thực hiện tinh giản biên chế để đánh giá, xếp loại cá nhân, tập thể có liên quan cũng cần được thực hiện nghiêm túc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang cam kết, TPHCM nỗ lực thực hiện nghiêm túc yêu cầu tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Song, đồng chí cũng mong muốn Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận, nghiên cứu các đề xuất của TPHCM, trong đó có việc nghiên cứu thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM, nhằm tạo điều kiện để TPHCM giải quyết căn cơ các bất cập, vướng mắc hiện nay, nhất là áp lực gia tăng dân số cơ học, tăng 200.000 người/năm.

Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TPHCM: Kiến nghị giao biên chế theo quy mô dân số

Năm 2018, TPHCM được Trung ương giao biên chế khối cơ quan, chính quyền TP và quận, huyện là hơn 8.050 người (giảm hơn 260 người so với năm 2016). Trong khi đó, UBND TPHCM có 11.210 biên chế công chức và gần 660 người hợp đồng (theo Nghị định 68/2000). Về biên chế sự nghiệp, Bộ Nội vụ thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp năm 2018 của UBND TPHCM là gần 119.980 người. Năm 2018, UBND TPHCM giao chỉ tiêu gần 106.780 người cho các đơn vị sự nghiệp thuộc sở ban ngành và UBND các quận huyện. Tính đến giữa năm 2018, tổng số người làm việc có mặt tại các đơn vị sự nghiệp hiện là gần 103.300 người, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Trung ương.

TPHCM là đô thị với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt cùng với khối lượng công việc giải quyết hàng ngày rất lớn và có xu hướng gia tăng, mức độ phức tạp của công việc càng cao. Do đó, kiến nghị Trung ương nghiên cứu, giao biên chế theo quy mô dân số và tính chất đa dạng, phức tạp của TPHCM. Cùng đó, kiến nghị Ban Bí thư nghiên cứu, điều chỉnh khu biên chế giao cho các quận, huyện phù hợp với đặc thù và tình hình phát triển của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục