(SGGPO). – Sáng nay, 21-5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp trước, dự kiến tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu khá nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước để hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn còn băn khoăn về các vấn đề như biện pháp phong tỏa tài sản liên quan đến khủng bố; việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố; hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố…
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) và một số đại biểu tán thành thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ở Trung ương và các tỉnh thành. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) nêu: khủng bố thế giới ngày càng gia tăng, tuy Việt Nam chưa xảy ra nhưng nguy cơ là hiện hữu, vì thực tế lực lượng Công an đã từng phát hiện một số đối tượng trà trộn, móc nối, kích động người dân để thực hiện những vụ quấy rối an ninh trật tự. Bởi thế đề nghị lâp Ban chỉ đạo cả ở cấp Trung ương và cấp tỉnh thành, trong đó Ban chỉ đạo Trung ương do Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo, ở cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Lực lượng phòng chống khủng bố bao gồm Công an, Quân đội với mục đích đầu tiên là ngăn ngừa khủng bố.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng chung quan điểm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, hoạt động thường xuyên, không phải khi nào cần thiết thì mới thành lập như một số ý kiến đề nghị. Đại biểu Sơn đề nghị cần quy định ngay trong luật về chức năng, quyền hạn của Ban chỉ đạo.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) thì lại đưa quan điểm không cần thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống khủng bố mà có thể nâng cấp, kiêm nhiệm từ hoạt động của Ủy ban Quốc gia phòng chống tội phạm. “Nếu thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống khủng bố thì thành phần cũng tương tự Ủy ban Quốc gia phòng chống tội phạm. Nên kiêm nhiệm để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Hồng phát biểu. Ông Hồng cũng đề nghị không nên quy định ở cấp tỉnh thì có cơ quan tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố mà chỉ cần một bộ phận tham mưu, đặt ở Công an tỉnh để tránh cồng kềnh bộ máy.
Về người chỉ huy chống khủng bố, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, Dự thảo còn quy định chung chung, vì vậy cần quy định cụ thể hơn để tránh lúng túng khi thực hiện. Nên quy định đó là người được Ban chỉ đạo phân công. Nếu Ban chỉ đạo chưa phân công thì người đứng đầu trực tiếp ở nơi xảy ra khủng bố có trách nhiệm chỉ huy việc chống khủng hố. Ví dụ, nếu xảy ra ở trường học, thì Hiệu trưởng phải là người chỉ huy cho đến khi có quyết định phân công của Ban chỉ đạo, ông Sơn nêu quan điểm. Ông Sơn cũng nhấn mạnh, vai trò của quân đội trong phòng chống khủng bố là rất lớn, vì quân đội là lực lượng có đầy đủ các điều kiện cần thiết nhất để làm việc này, nhưng quy định trong dự thảo Luật còn mờ nhạt, cần quy định rõ hơn.
Vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố cũng được các đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, hợp tác quốc tế là cần thiết, vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng phải bảo đảm độc lập chủ quyền, không để nước ngoài lợi dụng. Ông Kha đồng ý cần xem xét, quy định kỹ những trường hợp từ chối hợp tác chống khủng bố (có thể không đưa vào Luật).
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
PHAN THẢO
>> Sẽ giữ nguyên tên nước và quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng
>> Khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII - Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm
>> Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012