Mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với những diễn biến ngày càng phức tạp giữa hai quốc gia đồng minh quan trọng nhất của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang đẩy Tổng thống Barack Obama vào thế khó. Đây sẽ là gáo nước lạnh nữa dội vào nước Mỹ bên cạnh việc thất bại tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông, châu Á và cả châu Âu không chỉ bởi mối quan hệ đồng minh chiến lược mà còn vì đất nước này nằm ở ngã tư đường giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa của thế giới. Đây là quốc gia Hồi giáo duy nhất thuộc lực lượng NATO, khẳng định vai trò bằng sự hiện diện quân đội ở Afghanistan, tạo được mạng lưới kinh tế gắn kết với khu vực miền Bắc Iraq.
Bên cạnh đó là hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong hoạt động chống khủng bố. Gần đây, quốc gia này nâng vị thế quân sự của mình lên một nấc mới khi lá chắn tên lửa của NATO có mặt tại đây. Một lợi thế nữa mà Thổ Nhĩ Kỳ nắm trong tay là mối quan hệ thân thiết với Libya và Syria, hai tiêu điểm của Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh trong cuộc chạy đua dầu mỏ.
Thế nhưng lần này Thổ Nhĩ Kỳ chẳng mảy may quan tâm thái độ của Mỹ. Gần đây, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra hàng loạt quyết định gay gắt: ngừng mọi hợp tác quân sự, quốc phòng và thương mại với Israel, chuẩn bị hộ tống các tàu cứu trợ tới Dải Gaza và không cho phép lặp lại vụ việc tương tự vụ tấn công của Israel vào đoàn tàu cứu trợ người Palestine ở Dải Gaza hồi năm ngoái.
Không dừng ở đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ bằng mọi cách ngăn chặn Israel đơn phương khai thác tài nguyên ở Địa Trung Hải. Điều này nhằm vào kế hoạch của Israel thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp với Lebanon.
Chẳng những không để Mỹ kịp lên tiếng, Thổ Nhĩ Kỳ còn “dập thêm pháo” bằng phát biểu của Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu ngày 17-9 khẳng định không cần trung gian để hòa giải với Israel, rằng lẽ ra nước này đã lập được trật tự mới ở Trung Đông nếu không có sự can dự từ bên ngoài, trong đó ám chỉ đến Washington.
Đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Palestine gia nhập tổ chức LHQ. Cho dù Ankara biết rõ nếu Palestine được công nhận là quốc gia độc lập và trở thành thành viên đầy đủ của LHQ thì việc này chẳng khác nào cái tát vào uy tín nước Mỹ, góp phần làm giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Trung Đông, trong nội bộ Mỹ, là điểm trừ đối với Tổng thống Obama cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lần này lại cương quyết quay ngoắt 180 độ đối với người đồng minh lớn? Các nhà phân tích chính trị cho rằng Ankara sẽ có cơ hội tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng các quốc gia Hồi giáo, cô lập một Israrel đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Một thực tế nữa là dù Ankara đã đánh tiếng xin gia nhập EU từ nhiều năm qua nhưng khối này vẫn lưỡng lự không chỉ vì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo (EU chưa có thành viên nào là quốc gia Hồi giáo) mà còn vì nước này quá gần gũi với Mỹ. Cùng với Anh, nước này cũng được xem là cánh tay của Mỹ ở châu Âu. Phải chăng Ankara muốn thay đổi hình ảnh của mình trong mắt EU?
NHƯ QUỲNH