
Đoàn nghệ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội vừa có chuyến công diễn phục vụ hàng ngàn lượt người xem ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng rất thành công. Vở nhạc kịch công diễn phục vụ bà con đồng bào Ba Na tại làng STơr (Kông Hoa) - quê hương anh hùng Núp.

Đồng bào Tây Nguyên đón Bác Hồ, một cảnh trong vở nhạc kịch.
Có thể nói, cái hay, cái hấp dẫn lôi cuốn khán giả trong vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” là nhạc sĩ An Thuyên – tác giả kịch bản – đã biết “bình dân” hóa các chi tiết, biết dẫn dắt tài tình và kết hợp hài hòa các chi tiết từ quá khứ đến hiện tại, từ âm thanh, ánh sáng đến lựa chọn diễn viên (trong 120 diễn viên tham gia thì có đến 2/3 diễn viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum) khiến vở nhạc kịch vốn mang tính hàn lâm trở nên dễ hiểu, dễ cảm…
Từng cảnh một, từ cảnh anh hùng Núp trốn làng đi phục kích bắn giặc Pháp để xem lũ giặc “có máu” và “có chết thật” không đến những cảnh hoành tráng mô tả hình ảnh nhân dân Tây Nguyên nói chung đứng lên chống giặc Pháp, bảo vệ Tổ quốc đều rất rõ ràng, dễ hiểu.
Qua vở nhạc kịch, người xem thấy lại gương mặt từ già làng đến những em gái, em trai người Ba Na và người các dân tộc khác của Tây Nguyên ngày ấy tràn ngập niềm tin cách mạng, niềm lạc quan yêu đời, con gái thì hồn nhiên vui đùa, say sưa lao động, trồng bắp cho nhiều trái, trồng lúa cho nhiều hạt, nuôi nhiều heo to, bò lớn để giúp đỡ cách mạng; con trai thì tích cực làm nỏ, cắm chông, rèn dao, giáo mác… để đánh Pháp.
Và cuối cùng là khi vầng trăng thanh bình từ từ nhô lên khỏi ngọn núi phía đông cùng với những âm thanh lễ hội mừng chiến thắng của người dân Ba Na reo vang thì ánh hào quang rực rỡ cũng từ từ tỏa ra từ chân dung của Boka Hồ, người Cha yêu kính nhất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên…
Có thể nói vở nhạc kịch từ lúc mở màn biểu diễn cho đến lúc kết thúc đã lôi cuốn người xem vì khán giả như nhìn thấy chính mình, chính bản làng mình trên ấy.
Trước lúc vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” được công diễn phục vụ bà con tại làng Stơr (nay là làng Kông Hoa - làng kháng chiến) thuộc xã Tơ Tung (xã Nam) huyện Kbang tỉnh Gia Lai (quê hương của anh hùng Núp), tâm sự với chúng tôi, nhạc sĩ An Thuyên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, người chuyển thể, dàn dựng và đạo diễn vở nhạc kịch từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Ngọc - cho biết: “Tôi sống ở Tây Nguyên đã nhiều năm, yêu Tây Nguyên cũng nhiều lắm nhưng chưa làm được việc gì cho thỏa mãn tình yêu ấy”.
Thật vậy, hôm công diễn vở nhạc kịch tại làng Stơr, mặc dù trời mưa nhưng bà con đến xem rất đông. Trông ai cũng hào hứng và vui vẻ. Qua từng cảnh, từng phân đoạn, bà con không ngớt vỗ tay và tấm tắc khen “Hay, hay quá…”. Anh Đinh Yom, một trưởng thôn ở làng Stơr, không giấu được niềm vui, nhận xét: “Lần đầu tiên được xem nhạc kịch nhưng mình đã thấy hay quá, tự hào quá. Xem trình diễn, mình như thấy Núp của làng mình sống lại, đang chỉ cho đồng bào theo bộ đội Cầm, theo Boka Hồ, theo Đảng đánh Pháp và bày cho dân làng cách làm ăn để giàu có khi đất nước đã hòa bình…”.
Chị Đinh Thị Dép, 54 tuổi, người gọi anh hùng Núp bằng bác thì bùi ngùi: “Ngày còn sống bác Núp hay kể cho tụi tui nghe chuyện làng Kông Hoa rào làng, cắm chông đánh Pháp, chuyện ra Bắc được gặp Bác Hồ và nhiều chuyện hay lắm. Bây giờ xem, thấy nhớ và thương bác Núp nhiều hơn…”.
LÊ QUANG HỒI