ĐH Quốc gia Hà Nội: Nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH giai đoạn 2006-2010.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH giai đoạn 2006-2010.

Kết luận thanh tra cho thấy, qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại 18 trường, có một số khuyết điểm, vi phạm như sau: 46,5% (195/419) chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa học vừa làm chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép; một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, mời giảng viên; không có văn bản xác nhận nhu cầu của địa phương hoặc cơ quan nơi đặt lớp; 15/18 trường không có biên bản ghi nhận về điều kiện cơ sở vật chất cơ sở liên kết, danh sách giảng viên dự kiến tham gia giảng dạy và cán bộ tham gia quản lý lớp; 54/419 chương trình liên kết đào tạo địa điểm đặt lớp không đúng quy định; 5 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép...

Đặc biệt, kết luận còn chỉ rõ những sai phạm về liên kết đào tạo tại ĐHQG Hà Nội. Cụ thể, ngày 10-10-2007, giám đốc ĐHQG Hà Nội ban hành Quyết định số 3810 cho phép học viên cao học không viết, bảo vệ luận văn, dẫn đến có 8 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho phép các học viên cao học làm tiểu luận, không viết, bảo vệ luận văn là vi phạm khoản 3, Điều 43 Luật Giáo dục 2005 và Quy chế đào tạo sau ĐH của Bộ GD-ĐT.

Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu của 20 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của ĐHQG Hà Nội cho thấy: 16 chương trình không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác; 12 chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định; các chương trình liên kết quốc tế khác của ĐHQG Hà Nội thực hiện cấp phép bằng công văn khi đơn vị có nhu cầu nhưng không xác định số học viên/lớp; có trường hợp chỉ xác định cho thí điểm chương trình...

Việc làm này vi phạm quy định của Chính phủ. Ngày 12-2-2008, Giám đốc ĐHQG Hà Nội ban hành Quyết định số 698 cho phép Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) được tổ chức, phối hợp đào tạo trình độ ĐH và sau ĐH là vi phạm quy định về cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo ĐH và sau ĐH tại Điều 42 Luật Giáo dục 2005 và quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm tra 20 hồ sơ lớp đào tạo thạc sĩ thì ĐHQG Hà Nội có 9 chương trình liên kết đào tạo (tiến sĩ 1, thạc sĩ 8) không tổ chức thi tuyển sinh. Việc ĐHQG Hà Nội cho phép 6 học viên của chương trình thạc sĩ liên kết nước ngoài được dự thi nghiên cứu sinh vào các trường thuộc ĐHQG Hà Nội và một số cơ sở giáo dục khác khi văn bằng chưa được Bộ GD-ĐT xét và công nhận là vi phạm các quy định về điều kiện dự tuyển trình độ tiến sĩ. Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong liên kết đào tạo tại ĐHQG Hà Nội thể hiện ở những nội dung: ETC chi thanh toán cho ĐH Griggs; hợp đồng liên kết tuyển sinh, quản lý, tổ chức lớp học và dịch vụ; hợp đồng thuê xe của ETC...

Trên cơ sở đó, TTCP kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở: Tuyển vượt chỉ tiêu; xem xét không công nhận bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC đã cấp cho học viên (với tổng số hơn 2.000 bằng); đình chỉ tuyển sinh, chấm dứt hoạt động giảng dạy đối với các lớp đào tạo do ETC trực tiếp ký hợp đồng tổ chức, phối hợp liên kết đào tạo hệ ĐH và sau ĐH trái quy định.

TTCP cũng kiến nghị thanh tra toàn diện việc liên kết đào tạo quốc tế, có biện pháp xử lý các chương trình chưa có giấy phép nhưng vẫn thực hiện tuyển sinh và đào tạo từ năm 2006 đến nay. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng thanh tra toàn diện công tác quản lý thu - chi tài chính của ĐHQG Hà Nội và các đơn vị thành viên giai đoạn 2006-2011; xác định trách nhiệm của GĐ ĐHQG Hà Nội trong việc ban hành các văn bản trái quy định. TTCP cũng đề nghị Bộ Công an (C48) xác minh làm rõ việc ETC chuyển 177,8 tỷ đồng ra nước ngoài (TTCP có căn cứ bước đầu việc chuyển số tiền này ra nước ngoài qua tài khoản trung gian vì vụ lợi)...

Tự chủ phải tự chịu trách nhiệm

Ngày 18-6, PV Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến một số người liên quan về kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với sai phạm tại ĐHQG Hà Nội.

  • Chủ nhiệm Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi:

“Tôi chưa được tiếp xúc với kết luận của TTCP. Nhưng qua nắm thông tin trên báo chí tôi đã gọi cho lãnh đạo ở ĐHQG Hà Nội và họ bảo trường cũng chưa nhận được kết luận của TTCP. Bản thân Trường ĐHQG Hà Nội cũng chưa có cơ hội để giải trình các nội dung kết luận thanh tra như thông lệ.

Về mặt nguyên tắc, khi ĐHQG Hà Nội đã được giao quyền tự chủ thì họ tự làm, tự chịu trách nhiệm. Nhưng hiện chúng ta chưa biết ĐHQG Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào vì kết luận của TTCP cần phải chờ ý kiến của Thủ tướng, lúc đó mới rõ trách nhiệm của từng sai phạm đến đâu. Dĩ nhiên, nếu ĐHQG Hà Nội làm sai thì phải chịu trách nhiệm vì đã được giao tự chủ. Còn Bộ GD-ĐT có những liên quan nhất định vì bộ là cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT. Nhưng ở đây, với sai phạm của ĐHQG Hà Nội, Bộ GD-ĐT chỉ chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước, chỉ khi nào trường đó thuộc Bộ GD-ĐT sai phạm thì Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm với tư cách cơ quan quản lý nhà nước lẫn trách nhiệm của cơ quan chủ quản”.

  • ĐBQH Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM:

“ĐHQG TPHCM có thực hiện liên kết đào tạo nhưng tôi khẳng định không xảy ra các sai phạm như ở ĐHQG Hà Nội. Vừa rồi Bộ GD-ĐT cũng đã vào kiểm tra. Mặc dù ĐHQG TPHCM được giao quyền tự chủ trong hoạt động kiên kết đào tạo nhưng chúng tôi thường xuyên báo cáo về bộ không chỉ về liên kết đào tạo mà về tất cả các lĩnh vực hoạt động khác của trường. Về kiến nghị xem xét không công nhận bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC đã cấp cho học viên, tôi cho rằng dư luận băn khoăn cũng có lý. Về nguyên tắc phải bảo vệ quyền lợi của người học. Nhưng bảo vệ theo cách nào thì phải suy nghĩ. Vì người học không có lỗi, nhất là ĐHQG Hà Nội là một thương hiệu lớn nên được người học tin tưởng”

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục