Di chúc Bác Hồ trên đá

Từng du học ở Bulgari về, cần mẫn tìm đá, khắc tranh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là anh Triệu Hoàng Giang ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Di chúc Bác Hồ trên đá

Từng du học ở Bulgari về, cần mẫn tìm đá, khắc tranh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là anh Triệu Hoàng Giang ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Theo Triệu Hoàng Giang, hình ảnh của Bác thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu là xuất hiện trên tranh ảnh giấy hoặc các chất liệu gia công. Anh Giang nghĩ đến việc thể hiện hình ảnh Bác trên một chất liệu hoàn toàn tự nhiên, độc đáo và bền vững. Đó là lý do thôi thúc người con của miền đất tổ Đền Hùng đi học nghề tranh khắc đá.

Năm 1997, Giang đi khắp Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam… săn tìm chất liệu đá phù hợp khắc tranh. Để nghiên cứu, thử nghiệm về một loại đá, có khi Giang phải giăng bạt ngủ lại trong rừng cả mấy tuần liền.

Ban đầu chưa có kinh nghiệm, các tác phẩm được anh nâng niu, ấp ủ cứ vỡ ra khi điêu khắc các chi tiết nhỏ. Mãi đến năm 1997, theo sự mách bảo của một người rành địa chất, Triệu Hoàng Giang mới tìm được loại đá đủ rắn và phẳng để khắc tranh tại núi Nhồi, tỉnh Thanh Hóa.

Có được nguyên liệu trong tay, Giang hăm hở lao vào sáng tác. Hình ảnh Bác Hồ quan sát trận địa Đông Khê - Cao Bằng năm 1950, được anh chọn thể hiện đầu tiên. Sau 6 tháng miệt mài, cuối cùng một tác phẩm điêu khắc tranh đá cũng hoàn thiện. Với trang phục và mũ bộ đội, quần xắn quá đầu gối, đôi mắt sáng ngời, chân dung Bác mạnh mẽ, rắn rỏi trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp được khắc nổi trên phiến đá hoàn toàn tự nhiên.

Bút tích Di chúc Bác Hồ được Triệu Hoàng Giang khắc nổi trên đá.

Bút tích Di chúc Bác Hồ được Triệu Hoàng Giang khắc nổi trên đá.

Từ thành công bước đầu này, Triệu Hoàng Giang liền vạch ra và thực hiện kế hoạch dài hạn: khắc một bộ sản phẩm tranh đá thể hiện cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ ngày đó, anh cắm cúi lao vào sáng tác liên tục một mạch 10 năm tròn để cho ra đời bộ tác phẩm độc đáo vào đúng dịp cả nước triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Các tấm ảnh nổi tiếng về Bác Hồ đã được anh Giang thể hiện trên 32 bức tranh đá. Trong đó có thể kể đến các bức: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3”, “Bác Hồ căn dặn các chiến sĩ trước Đền Hùng”, “Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập”, “Nguyễn Tất Thành tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, năm 1920”, “Bác Hồ với các đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam”…

Ngoài ra các chủ đề liên quan đến hoạt động của Bác như bìa sách Nhật ký trong tù, lán Nà Lừa (Tuyên Quang), lán Khuẩy Nậm (Cao Bằng), làng Kim Liên… cũng được khắc lên đá rất đẹp và sinh động.

Tuyệt tác công phu và tâm đắc nhất của Triệu Hoàng Giang, chính là việc chuyển tải bút tích bản thảo di chúc của Bác Hồ lên mặt đá. Từ nét chữ, nét gạch xóa của Bác đều giống y hệt như bản chụp photocopy. Điểm đặc biệt, có một không hai là tất cả các chữ đều được khắc nổi.

Để có được trang bút tích này, Giang phải cật lực làm việc một mình ròng rã 19 tháng trời. Mỗi ngày, anh chỉ khắc được 1 - 2 con chữ. “Tôi đã nguyện dành cả cuộc đời của mình để tiếp tục khắc tranh về Bác Hồ trên chất liệu duy nhất là đá. Trước mắt, tôi sẽ thực hiện 7 bản thảo di chúc lên mặt 7 chiếc trống đồng bằng đá” - anh Giang tâm sự.

Tranh của anh được đưa ra Trung ương trưng bày cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị cách mạng lão thành xem. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan… đã gửi thư khen ngợi, động viên Triệu Hoàng Giang về việc làm có ý nghĩa lớn lao đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi: “Tôi rất cảm phục và cảm động trước công việc khắc đá ghi lại cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang. Đây là hành động tuyệt vời, cần được phát huy và phát triển lên một tầm cao mới”. Còn thư của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có đoạn viết: “Xem tranh đá của Triệu Hoàng Giang, tôi cảm thấy như được gặp lại, nghe lại, học lại những gì Bác đã căn dặn con cháu…”.

Ước muốn của Triệu Hoàng Giang là làm sao tổ chức được cuộc triển lãm tại TPHCM để đồng bào miền Nam có dịp “gặp gỡ” Bác ở thể loại nghệ thuật tranh khắc đá. Đồng thời, anh cũng mong sao có điều kiện thực hiện một tác phẩm khắc đá thật quy mô về Bác để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Cảng Nhà Rồng (TPHCM).

Quý Lâm - Thiên Linh

Tin cùng chuyên mục