Đi để thêm yêu Tổ quốc

Đang là những ngày của tháng 4. Nhớ 39 năm trước, ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng của anh Giải phóng quân tiến vào dinh Độc Lập, đánh dấu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn Sài Gòn và miền Nam. Cùng với những cánh quân tiến vô Sài Gòn là những người quay phim - những chiến sĩ.

Đang là những ngày của tháng 4. Nhớ 39 năm trước, ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng của anh Giải phóng quân tiến vào dinh Độc Lập, đánh dấu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn Sài Gòn và miền Nam. Cùng với những cánh quân tiến vô Sài Gòn là những người quay phim - những chiến sĩ.

1. Họ đã theo chân anh Giải phóng quân ghi lại những hình ảnh của ngày 30-4 hào hùng, để làm nên những bộ phim tài liệu lịch sử, sống mãi với thời gian… Rồi những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh TP Sài Gòn - TPHCM ra đời, bởi những văn nghệ sĩ đã được thử thách và rèn luyện qua cuộc kháng chiến chống Mỹ của Xưởng phim Giải Phóng từ chiến khu R và từ miền Bắc về; cùng với đội ngũ làm điện ảnh ở TP Sài Gòn… đã tạo thành một đội ngũ sáng tác phong phú, tài năng, sung sức hơn bao giờ hết.

TPHCM đã trở thành một trung tâm điện ảnh lớn của cả nước. Số lượng phim được sản xuất, doanh thu chiếu bóng - phát hành phim, khán giả đến rạp xem phim… đều đứng đầu cả nước. Nhưng rồi, có ai đó đã nói rằng, bây giờ điện ảnh Việt Nam đã mất đi trong lòng người dân, khán giả Việt Nam! Phim Việt Nam bây giờ không vì nhân sinh nữa...

Những bậc lão thành tên tuổi của điện ảnh Việt Nam như Mai Lộc, Khương Mễ đã từng nói, những năm gần đây điện ảnh phát triển rất tốt, được hợp tác rộng rãi với các nước để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trang bị kỹ thuật tốt hơn. Lực lượng làm điện ảnh thì phong phú hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng sao vẫn thấy thiếu cái gì đó! Cái lửa nhiệt tình như ngày xưa không? Hay cái tình của người làm phim với cuộc sống, với khán giả? Hay bây giờ có nhiều nỗi lo mới, lo cái nhà, cái cửa, cái phương tiện để sống, sự cạnh tranh trong nghề nghiệp đã làm cho người làm phim bây giờ tỉnh táo hơn quá chăng?

Mới đây, 18 hội viên và cộng tác viên của Hội Điện ảnh TPHCM đã lên đường thực hiện một chuyến về nguồn - sáng tác ở 10 tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc - miền núi phía Bắc. Hội viên lớn tuổi nhất là nhà văn được trao giải thưởng Hồ Chí Minh - Lê Văn Thảo, 74 tuổi; hội viên nhỏ tuổi nhất là diễn viên Cao Mỹ Kim, 23 tuổi. Theo lộ trình, đoàn phải vượt qua một chặng đường dài 2.014km, cũng là mốc đáng chú ý nhưng thực tế đoàn đã đi một chặng đường dài 2.500km, chưa kể đoạn đường đi máy bay TPHCM - Hà Nội, Hà Nội - TPHCM và những cung đường phải đi bộ, leo núi...

Khởi hành từ TPHCM, bay chuyến sớm nhất ra Hà Nội và từ sân bay Nội Bài, cả đoàn đã lên chiếc xe 29 chỗ ngồi chật chội đi chặng đầu tiên lên Sơn La. 21 con người ngồi xen lẫn với hành lý và quà tặng. Có lẽ lúc đầu cả đoàn đã hơi sốc vì chiếc xe nhỏ, thiếu tiện nghi cho một chặng đường dài 10 ngày trời, cả đoàn sẽ ở trên xe nhiều hơn ở khách sạn. Nhưng chỉ qua một ngày, ai cũng hiểu, với đèo dốc như vậy thì xe lớn hơn không thể nào di chuyển được. Vậy rồi chính chiếc xe chật chội đã làm cả đoàn gần gũi, thân thiết nhau hơn. Tất cả những khó khăn nhỏ đã trở nên không đáng để ý nữa, khi chuyến xe đã đưa cả đoàn đến Thung Khe, Thung Nhuối của tỉnh Hòa Bình, đến Sơn La rồi Điện Biên… Đứng trên đỉnh đèo Pha Đin cả đoàn vẫn như nghe vang đâu đây tiếng hò kéo pháo “hò dô ta nào…” hay nhớ đến hình ảnh uy nghi mà bình dị của vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

2. Cả đoàn sững sờ và rung động trước thiên nhiên đẹp và hùng vĩ được làm nên bởi những ngọn núi đá, những con sông, dòng suối; bởi những màu sắc của hoa rừng, của những chiếc váy của những cô gái Mường, Thái, H’ Mông, Dao, Tày - Nùng… và cảm phục trước sự bền bỉ, dũng cảm của con người đang chinh phục thiên nhiên để xây dựng cuộc sống. Nhiều đoạn đường đèo dốc quanh co, nguy hiểm, mà những người miền Nam chưa từng biết tới đã làm nên những cơn thót tim khi cả đoàn đi từ Điện Biên đến Lào Cai qua Hà Giang; từ Hà Giang đến Đồng Văn, vượt qua cao nguyên đá... Nhưng trên xe chỉ có những tiếng xuýt xoa vì cảnh đẹp, vì những câu chuyện... Không ai nói ra, nhưng trong lòng mọi người đều cảm nhận được sự lo lắng. Nhưng chỉ là một cảm xúc thoáng qua. Còn lại, những cái tên, những địa danh nổi tiếng đã hoàn toàn chinh phục 18 con người: Điện Biên, Sapa, Lũng Cú, Mèo Vạc, Đồng Văn, Bản Giốc, Pắc Bó, sông Lô, sông Đà, sông Hồng, sông Quây Sơn chảy xuống thành thác Bản Giốc…

Buổi chiều, khi chúng tôi đến dưới chân cột cờ Lũng Cú, cả đoàn đã mặc đồng phục là chiếc áo mang màu cờ Tổ quốc cùng chiếc huy hiệu TP trước ngực mà UBND TPHCM đã gửi tặng cả đoàn trước khi lên đường. Và sau khi chinh phục những bậc thang, cả đoàn đã đứng hát dưới chân cột cờ, tay giơ cao lá cờ của Tổ quốc. Nói sao cho hết cảm xúc tự hào, yêu thương Tổ quốc đang trào dâng trong lòng mỗi con người.

18 người chúng tôi đã học được nhiều điều từ một chuyến đi. Đó là sự giúp đỡ, tương trợ nhau. Ngày đầu thì còn sự e dè, nhưng đến ngày thứ 2, người hướng dẫn và lái xe, với 18 thành viên của đoàn đi sáng tác đã gắn với nhau thành một tập thể. Rồi tiếp theo là những buổi gặp gỡ đầy tình thân với các sĩ quan, chiến sĩ biên phòng ở Điện Biên, Lũng Cú, Bản Giốc với những bài hát chung, những món quà nho nhỏ từ chiếc huy hiệu của TP đến những bộ phim, chiếc nón. Những cuộc gặp gỡ với những em nhỏ người H’ Mông, Tày - Nùng bất chợt trên đường đi, chỉ kịp chuyền tay cho các em những chiếc bánh, viên kẹo, gói mì. Và những phút đứng lặng người ở Nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên, ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, bên mộ người đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh là anh Kim Đồng. Nhiều thành viên của đoàn đã không kềm được những giọt nước mắt, khi biết rằng, những năm đất nước đã hòa bình, năm 1985 - 1986 mà vẫn còn cả ngàn thanh niên đã hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc.

Cảm nhận về sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cả đoàn đến Khu di tích Pắc Bó. Nhà văn Lê Văn Thảo đã ghi vào sổ cảm tưởng: “Hôm nay ngày 13-4, tôi lần đầu tiên đến khu di tích Pắc Bó. Tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn, trong đó nổi bật nhất là tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh. Từ nơi rừng thẳm xa xôi này, Người đã nhìn thấy tiền đồ tương lai của đất nước, cuộc khởi nghĩa năm 1945, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thắng lợi năm 1975. Cũng từ nơi đây, lực lượng vũ trang cách mạng ra đời và tôi tự hào đã góp phần nhỏ vào đó, là người lính Cụ Hồ trong những năm chống Mỹ”. Chúng tôi đã tưởng ông không thể leo hết những bậc thang cao ngất để lên đến Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy mà nhà văn Lê Văn Thảo đã lên đến đền, đứng lặng người hồi lâu trước tượng Bác.

3. NSƯT - diễn viên Minh Đức năm nay cũng đã 71 tuổi. Vậy mà không chuyến đi nào đến mọi miền của Tổ quốc mà chị không đi. Và không có đèo dốc nào ngăn cản được chị. Ngày leo núi, tối về chân đau nhức, nhưng hôm sau chị lại đi. Cô Thoan, người yêu của Cù Chính Lan trong phim Người chiến sĩ trẻ đã có những lúc đứng thẫn thờ ở Dốc Kun - Hòa Bình để tưởng nhớ về người anh hùng có thật và cha ruột của chị cũng là một chiến sĩ Điện Biên.

Diễn viên trẻ Cao Mỹ Kim với đôi giày cao gót mà tôi đã trách em, sao lại mang giày cao gót đi núi. Kim nói, em không đi được giày đế bằng. Quả thật, Mỹ Kim đã leo hết đèo dốc trong suốt chuyến đi, trên vai vác một ba lô đầy kẹo bánh để phân phát cho các em nhỏ người dân tộc. Minh Oanh, cô thư ký trẻ đã làm rất nhiều bộ phim, luôn luôn xông xáo, giúp đỡ cho những người lớn tuổi. Đạo diễn Trần Ngọc Phong luôn là linh hồn của cả đoàn vì những câu chuyện vui, những bài hát tặng các chiến sĩ biên phòng và cả đoàn. Tổ làm phim cố gắng ghi hình thật nhiều để về có phim phát sóng trên đài truyền hình và dành làm tư liệu. Mỗi người trong đoàn đều cùng nhau góp sức cho sự thành công của chuyến đi, trong đó chúng tôi đã thực sự khâm phục và cảm ơn người lái xe Đinh Anh Tuân. Những đoạn đường dèo dốc, cả hai cánh tay anh căng cứng khi cầm vô lăng, cả thân mình anh oằn theo độ cong của đèo dốc. Anh đã lái xe bằng cả tâm trí và sức mạnh để bảo đảm sự an toàn cho cả đoàn.

Về nghề nghiệp, chuyến đi này chưa thể nói là để vực dậy nền điện ảnh đang gặp nhiều khó khăn hay ngay lập tức sẽ có những bộ phim tốt nhưng chúng tôi cảm nhận chính tình yêu đối với đất nước, con người Việt Nam sẽ tạo nên cảm xúc để người nghệ sĩ sáng tác. Bởi vậy, cho thấy văn nghệ sĩ hòa nhập vào cuộc sống, vào đồng bào sẽ có những khoảng lặng riêng để tự mình cảm nhận về người dân, những thay đổi của đất nước, rồi biến những điều đã nghe, đã thấy mà sáng tác.

Chuẩn bị cho những ngày lễ lớn, người ta lại chuẩn bị sản xuất hàng loạt phim nhưng chỉ để chiếu trong những ngày đặc biệt đó. Rồi các bộ phim ấy lại mất hút ở đâu đó trong kho. Sao ta không nghĩ đến việc làm ra những bộ phim, vừa có tác dụng phục vụ cho những ngày lễ mà vẫn sống trong lòng khán giả, vĩnh cửu? Như chúng ta đã từng làm phim những năm thời kháng chiến?

DƯƠNG CẨM THÚY

Tin cùng chuyên mục