Sáng sớm 8-2, dòng xe máy, ô tô hai hướng từ ngã tư Hàng Xanh về bến xe miền Đông di chuyển rất chậm. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với khoảng 3 làn xe, ô tô lưu thông chiếm hết cả 3 làn buộc xe máy phải len lỏi vào những khoảng trống còn lại, chỉ cần sơ suất là gây tai nạn. Trong khi đó, vỉa hè bị người dân hai bên đường lấn chiếm trưng bày hàng hóa bán tết khiến người đi bộ không còn lối đi. Chật vật mới thoát được đoạn đường dài chưa đầy 1km (mất hơn 30 phút) thì gặp ngay điểm nghẽn từ dòng xe khách nối dài từ cổng ra bến xe miền Đông đến gần ngã tư Bình Phước.
Chiều ngược lại, dòng xe máy, ô tô cá nhân cũng ùn ứ từ khu vực đường Phạm Văn Đồng đến vòng xoay chân cầu vượt Bình Triệu và kéo dài đến đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh). Ùn ứ kéo dài trong thời gian nhiều chuyến tàu Bắc - Nam ra vào ga Bình Triệu, khiến người dân di chuyển rất khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Linh, ngụ quận Thủ Đức, cho biết anh làm việc ở quận 3, ngày thuờng đi làm qua đoạn đường này thì không sao nhưng đến dịp lễ, tết ùn tắc lại xảy ra. Lực lượng CSGT đội Bình Triệu và TNXP phải túc trực điều tiết, phân luồng dòng xe.
Cùng ngày, tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, ùn ứ bắt đầu xảy ra từ khoảng 11 giờ trên nhiều tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất; đường Trường Sơn ùn tắc nghiêm trọng nhất.
Về hướng vòng xoay Lăng Cha Cả, hàng ngàn phương tiện trên đường Trường Sơn phải xếp hàng dài từ cổng sân bay Tân Sơn Nhất tới công viên Hoàng Văn Thụ, di chuyển chậm.
Trong khi đó, tại nhiều giao lộ với đường Trường Sơn như Hậu Giang, Cửu Long, Phổ Quang..., các phương tiện chuyển làn liên tục khiến dòng lưu thông bị rối loạn. Nhiều phương tiện “đối đầu” nhau, mạnh ai nấy đi, bóp còi inh ỏi. Ở hướng ngược lại, trên đường Trường Sơn, kẹt xe cũng xảy ra tại đoạn qua công viên Hoàng Văn Thụ khi lượng xe vào sân bay Tân Sơn Nhất tăng cao. Mặc dù nhiều chiến sĩ CSGT tham gia điều tiết, phân làn nhưng tình hình giao thông vẫn rất khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, kẹt xe trên đường Trường Sơn đã làm ảnh hưởng tới nhiều tuyến đường khác như Bạch Đằng, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa... Hàng ngàn phương tiện phải di chuyển khó khăn trong thời tiết oi bức. Đến hơn 13 giờ, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Về phía quận 2, từ 7 - 9 giờ và từ 16 giờ 30 - 20 giờ, tại giao lộ Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định, dòng xe tải, xe container xếp hàng nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp về hướng cảng Cát Lái. Trên đường Đồng Văn Cống, nhiều xe tải chôn chân tại chỗ. CSGT phải điều tiết cho các xe chạy về hướng hầm Thủ Thiêm để giảm bớt áp lực tại giao lộ này.
10 điểm kẹt xe nặng nhất TPHCM:
1- Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất quận Tân Bình: gồm đường Trường Chinh - Cộng Hòa và khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả
2- Khu vực Cát Lái quận 2: gồm các đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định
3- Khu vực cụm cảng Trường Thọ - ngã tư RMK quận 9: xa lộ Hà Nội
4- Ngã tư Thủ Đức thuộc quận 9 - Thủ Đức: xa lộ Hà Nội
5- Vòng xoay Nguyễn Kiệm (còn gọi là vòng xoay Phạm Văn Đồng, quận Phú Nhuận - Gò Vấp): đường Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám
6- Vòng xoay Công trường Dân Chủ quận 3: khu vực vòng xoay - đường Lý Chính Thắng
7- Khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - ngã 5 Đài liệt sĩ quận Bình Thạnh
8- Khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7
9- Đường Dương Bá Trạc, quận 8
10- Quốc lộ 1 đoạn cầu Bình Điền, huyện Bình Chánh
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, Sở GTVT TP phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an TP, lực lượng TNXP và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tăng cường lực lượng chốt chặn, xử lý nhanh các sự cố để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm có tình hình giao thông phức tạp.
Cụ thể, tại từng điểm kẹt xe phân công cụ thể trách nhiệm cá nhân phụ trách là thành viên của các đơn vị như phòng CSGT, công an quận, Thanh tra Sở GTVT, Thành đoàn, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước và doanh nghiệp cảng biển, sân bay... Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm lượng phương tiện lưu thông tăng đột biến khiến tình hình giao thông rất phức tạp. Vì vậy, để hạn chế ùn ứ, Sở GTVT khuyến cáo người tham gia lưu thông nên cập nhật, nắm thông tin tình hình giao thông thực tế trước khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, các phòng chức năng của Sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với phòng CSGT TP, quận huyện lập thành nhóm công tác thường xuyên trao đổi thông tin qua điện thoại di động để đưa ra giải pháp kịp thời giải tỏa kẹt xe.
* Giao thông Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng
Người dân Hà Nội đang phải chứng kiến những ngày ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất trong năm. Mặc dù biết ùn tắc những ngày giáp tết là câu chuyện “đến hẹn lại lên” nhưng năm nay, tình hình căng thẳng hơn nhiều khi bản đồ ùn tắc đang lan rộng ra toàn thành phố.
Hiện Hà Nội còn 37 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm và 24 điểm nguy cơ ùn tắc dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trên thực tế, ùn tắc đang xảy ra ở hầu khắp các tuyến phố.
Nóng nhất là ở những trục đường kề cửa ngõ thủ đô như Vành đai 3, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Phạm Hùng, Xuân Thủy và những tuyến phố hướng vào trung tâm như Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài…
Tại những tuyến phố này, nhiều thời điểm trong ngày, ô tô dàn hàng ngang lấn hết các làn đường và nhích từng centimét, trong khi xe máy len lỏi tìm chỗ trống, leo lên cả vỉa hè. Thậm chí, trong nội đô có những tuyến phố đã được các cơ quan chức năng Hà Nội chi nhiều tỷ đồng để làm thông thoáng vỉa hè, xén hè, thu hẹp dải phân cách như đường Đê La Thành, Giảng Võ, Xã Đàn, Nguyễn Chí Thanh… nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng ùn tắc khiến người tham gia giao thông mất quá nhiều thời gian cho việc di chuyển trên đường, công việc cuối năm đã bận rộn càng thêm cập rập. Không chỉ mất thời gian, nhiều người còn bị lỡ chuyến bay, lỡ việc.
Đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trong vài ngày gần đây, mỗi ngày có tới 400-500 lượt xe phải điều chỉnh lộ trình để tránh khu vực ùn tắc, không thể tiếp cận để đón trả khách như thường lệ. Vào giờ cao điểm, các chuyến xe buýt đều bị chậm 30 - 40 phút, có chuyến kéo dài đến hàng giờ. Thậm chí, nhiều lượt xe đã buộc phải quay đầu, bỏ tuyến.
Theo Sở GTVT Hà Nội, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp để chống ùn tắc, bên cạnh cải thiện hạ tầng là tăng cường các lực lượng chức năng điều tiết giao thông, huy động công an phường, tự quản dân phố, sinh viên tình nguyện phân làn, tổ chức giao thông, xử lý các điểm ùn tắc. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại quá lớn, người dân ngoại tỉnh đổ về thủ đô quá đông, bên cạnh ý thức người tham gia giao thông còn chưa tốt, chở hàng cồng kềnh, chưa chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng nên ùn tắc vẫn xảy ra.
Dự báo, trong vài ngày tới, các tuyến đường cửa ngõ thủ đô chiều ra khỏi thành phố sẽ có lượng phương tiện tăng đột biến, nguy cơ cao xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Thông tin từ Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong những ngày cận tết sẽ tập trung 100% quân số bố trí tại các điểm nút có mật độ phương tiện lớn, có nguy cơ xảy ra ùn tắc. Lực lượng tuần tra, kiểm soát di động cũng sẽ tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc như dừng đậu trái phép, xe đón khách dọc đường, chạy chậm để đón khách tại các tuyến đường gần bến xe, chở hàng cồng kềnh, vi phạm luật an toàn giao thông...