Đi nhiều nơi, nhưng chỉ có về nhà là ấm êm

Toronto (Canada), sáng 30 Tết… Tôi bắt đầu công cuộc dọn dẹp nhà cửa, tự bật lên một danh sách nhạc tết, không có sự thúc giục của mẹ, cũng không nghe giọng bố tấm tắc khen cây đào đứng trả giá cả buổi hay tiếng chặt gà dứt khoát, điêu luyện của bà. Không có Khánh, không ai tranh giành cái chổi lau nhà, cũng chẳng ai đùn đẩy việc rửa bát. Bất chợt, tôi lại nhớ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Hà Nội, sáng 30 Tết… Bố tôi chạy ra chợ hoa từ sớm, ngắm nghía cả khu vườn rồi mới chốt được một cây đào. Năm nay, bố cũng tâm đắc như mọi khi, cứ tấm tắc khen như chỉ mỗi bố mua được giá hời. Về đến nhà, thấy Khánh mở điện thoại kết nối bluetooth với dàn loa mới mua, bật lên một bản nhạc Tiktok xu hướng trên mạng.

“Đứa cái chổi, đứa cái giẻ, lau từ trên tầng xuống đây”, giọng mẹ tôi vọng lên từ tầng một, đan xen tiếng chặt gà của bà trên thớt, át tiếng nhạc giật giật. Và trên tầng thượng, ông tôi đang dọn dẹp ban thờ, đặt lên mâm cơm cúng, thắp nén hương mời các cụ về ăn tết cùng chúng tôi.

Mấy ngày sau, tất cả cùng về quê, chăm chút sửa sang cho mộ phần tổ tiên. Vào các lần gặp gỡ họ hàng, bố tôi luôn giới thiệu đây là ông A, bà B, với lòng tôn vinh về sự giúp đỡ của họ trong quá khứ với gia đình mình. Sau những cuộc hội ngộ ấy, tôi biết được cội nguồn của mình ở đâu, bố mẹ và ông bà mình đã đi lên như thế nào, để tôi thấy được sự tử tế giữa người với người, để tôi tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn ấy trong cuộc đời mình.

Đó là những ký ức về mùa tết đoàn viên cuối cùng trong tôi. Ngót nghét cũng được năm năm rồi.

18 tuổi, tôi rời nhà, đi du học cùng đầy hoài bão, niềm tin và niềm tự hào của cả dòng họ. Tôi vẫn nhớ những mùa xuân đầu tiên nơi xứ người. Nếu trước đây các cuộc gọi của bố mẹ hỏi mấy giờ con đi chơi về, có ăn cơm ở nhà không... Thì giờ, tôi lại đóng vai là người kể chuyện, bởi có quá nhiều điều mới mẻ và thú vị với một con bướm vừa thoát ra khỏi cái kén. “Con vẫn ổn, mọi thứ đều đủ cả” - Những câu nói lặp đi lặp lại, để bố mẹ tin rằng tôi có thừa sự tự tin lao ra đời một cách đầy bản lĩnh.

Tết với du học sinh chúng tôi, là ngồi trong lớp mở máy tính coi Táo quân cười khúc khích, là những cuộc gọi chúc mừng năm mới lúc 12 giờ trưa, là sự nôn nao khi đồng hồ đếm ngược với màn pháo hoa online. Chẳng một ai hào hứng với bài giảng ngày hôm đó, bởi tất cả đều hướng về quê hương, đều đang hòa vào không khí tết cổ truyền, tết ở nhà.

Cũng có bánh chưng xanh, nồi thịt kho, những bao lì xì đỏ và cùng hội bạn thân chơi ván bài đầu xuân. Chỉ là không có gia đình.

Toronto, sáng 30…

Tôi bắt đầu công cuộc dọn dẹp nhà cửa, tự bật lên một danh sách nhạc tết, không có sự thúc giục của mẹ, cũng không nghe giọng bố tấm tắc khen cây đào đứng trả giá cả buổi hay tiếng chặt gà dứt khoát, điêu luyện của bà. Không có Khánh, không ai tranh giành cái chổi lau nhà, cũng chẳng ai đùn đẩy việc rửa bát. Bất chợt tôi lại nhớ cái sự "phiền nhiễu" ấy.

Thời đại công nghệ phát triển, bạn có một chiếc điện thoại hay một chiếc máy tính, bạn có thể nhìn thấy nửa kia ở bất kỳ đâu. Và đó cũng là khi tôi bắt đầu hiểu rằng khoảng cách địa lý là một vấn đề.

Mùa xuân năm ấy, tôi đã không kịp về chịu tang bà nội. Tưởng chừng như Việt Nam - Canada và mười mấy tiếng bay nửa vòng trái đất là quá dài, nhưng rồi khoảng cách tôi và nội giờ là không đo lường được, tôi chỉ còn được thấy bà qua những tấm ảnh năm nào. Còn bao lời hứa chưa thực hiện, những kế hoạch còn dang dở. Khi tôi mới chập chững bước vào thế giới của người lớn, thì bà đã sống hết đời này. Và một cái tết nào đó, bỗng dưng trở thành “Cái tết cuối cùng”.

Những cái tết sau này, vẫn là mỗi người một việc, vẫn cố gắng lo đủ đầy tân trang nhà cửa, mâm cơm giao thừa. Chỉ là cái sự đầm ấm nó đã khác đi, không cảm nhận đủ hương vị khi còn có bà.

picture1-9335.png
Hình ảnh bố sơn lại tường đón tết

Tầm này ở nhà, mẹ đang làm cơm, bố quét mạng nhện và sơn lại tường, còn ông là người trông buồn nhất. Ông thắp nén hương trên ban thờ, dám chắc là không phải do khói hương cay bay vào mắt, là do sự nghẹn ngào lấp đầy. Ông rưng rưng: “Bà ơi, bà về ăn tết với tôi, với các con nha!”. Từng chữ thốt ra là từng giọt lệ rơi xuống gò má đầy nếp nhăn của người đàn ông ngoài 80.

Tôi tin là bà tôi sẽ về, về trong hương khói, về trong sự nhiệt tình mời gọi, niềm nở chào đón của gia đình. Còn tôi, bao giờ tôi mới về nhà… Mấy mươi năm cuộc đời, con người ta liệu còn về nhà được bao lần? Một lần về nhà là bớt đi một lần được gặp cha mẹ trong cuộc đời ngắn ngủi này.

Dẫu biết áp lực của người trẻ bây giờ, là chạy đua với tuổi tác của cha mẹ, đâu biết có những cuộc hẹn, vô tình sẽ là những cuộc gặp gỡ cuối cùng. Cả năm bận bịu lo toan, chỉ mong sao đầu xuân mới mọi người được đoàn tụ ấm êm, không cần giàu sang phú quý, chỉ cần khoẻ mạnh vui vẻ.

Tôi mong lắm tới cái tết đoàn viên, tới cái tết về bên gia đình.

NGUYỄN MINH THÚY

Toronto, Canada

Tin cùng chuyên mục