Đi tìm “điểm nghẽn” trong thể chế để đưa đất nước phát triển

Trong thể chế của chúng ta có nhiều nút thắt kìm hãm kinh tế phát triển, nếu không giải quyết được, nền kinh tế sẽ mãi mãi đi xuống. Một trong những “nút thắt” thể chế kinh tế là chưa đảm bảo an toàn trong kinh doanh, có nhiều rủi ro, bất ổn...

Sáng 28-9, tại Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thể chế phát triển nhanh - bền vững, kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn mới". 

Tham dự hội thảo là những nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan khoa học, quản lý nhà nước…

Đòi hỏi đổi mới thể chế

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trong hơn 30 năm đổi mới, thể chế chúng ta đã từng bước đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, thể chế chính trị và thể chế phát triển xã hội. Nhưng về cơ bản đó vẫn là thể chế phát triển theo chiều rộng, đến nay động lực phát triển theo chiều rộng đã suy giảm mạnh, nhiều nội dung không còn phù hợp, gây cản trở cho sự phát triển đất nước, hiện đất nước đã bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu.

Xét về bối cảnh quốc tế, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, đang có sự thay đổi phức tạp, từ nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ, đang có sự đột phá, tác động đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, đặt ra những cơ hội lớn và những thách thức không hề nhỏ với sự phát triển đất nước.

Đi tìm “điểm nghẽn” trong thể chế để đưa đất nước phát triển ảnh 1 Quang cảnh hội thảo sáng 28-9-2018
GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, để đất nước không bị tụt xa, không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, để nâng cao được năng lực cạnh tranh, nâng cao thế và lực đất nước, đòi hỏi phải đẩy mạnh đổi mới hoàn thiện đồng bộ thể chế.
Nhưng thực tế cho thấy, chúng ta đang có nhận thức từ thực tiễn tới lý luận vẫn còn khác nhau, còn nhiều vấn đề cần được làm rõ về thể chế để phát triển nhanh, bền vững; về sự đồng bộ giữa thể chế chính trị và thể chế kinh tế, xã hội.

Theo các nhà khoa học, việc đổi mới thể chế là khó nhất, đòi hỏi có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Như một minh chứng cho thực tiễn về cách làm, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, trong 2 năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh cải cách thể thế để đưa tỉnh phát triển toàn diện

Nhận thức của Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, trong tình hình mới một nền kinh tế không thể vận hành theo quán tính cũ, cần vận động để phát triển: “Vĩnh Phúc ý thức những cải cách chậm thì không thể thích ứng trong thời đại 4.0, do vậy từ chính các địa phương phải tự cải cách. Cải cách thể chế và quản trị nhà nước là việc làm khó nhất, mục tiêu cuối cùng là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, bởi không đổi mới tư duy thì khó thành công; nhưng đổi mới dẫn đến sẽ đụng chạm nhiều người, nhiều vấn đề, do đó đòi hỏi phải quyết tâm”, bà Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, một thể chế chính trị sáng suốt sẽ thúc đẩy thể chế kinh tế, thể chế xã hội phát triển, đó là mối quan hệ với nhau. Việc đổi mới thể chế ở Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, phù hợp với điều kiện, trình độ trong từng giai đoạn; đó là một thể chế vượt trội, có khả năng đón nhận, huy động tất cả nguồn lực, tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ.

“Vấn đề trung tâm cốt lõi của thể chế là phải tạo được động lực phát triển, phải kết nối được động lực cả dân tộc để phát triển, kết hợp năng lực sáng tạo của các chủ thể, xác định được giá trị của thể chế chính trị, đòi hỏi yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”, PGS.TS Trần Quốc Toản cho hay.

“Nút thắt” từ thể chế kinh tế

GS.TS Nguyễn Kế Tuấn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu vấn đề về vai trò của thể chế trong việc phát triển đất nước, điều này đã được khẳng định trên cả lý thuyết và thực tế.

GS.TS Nguyễn Kế Tuấn khẳng định, vai trò nhà nước vẫn là trung tâm, sẽ chi phối trực tiếp quá trình phát triển. Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển được đề cập những năm gần đây, thực chất mô hình này đã được đề cập trong các công trình nghiên cứu. Việc đổi mới quản lý nhà nước là yếu tố cơ bản tạo nên thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, quản lý nhà nước với nền kinh tế còn nhiều bất cập, cản trở sự phát triển kinh tế (chất lượng thể chế thấp, nhiều chính sách không bắt nguồn từ thực tế nên không đi vào cuộc sống, đó là yếu tố cản trở; cải cách hành chính chậm trễ, bộ máy cồng kềnh…).

Đi tìm “điểm nghẽn” trong thể chế để đưa đất nước phát triển ảnh 2 GS.TS Nguyễn Kế Tuấn chia sẻ ý kiến tại hội thảo
GS.TS Nguyễn Kế Tuấn đề nghị cần xác định mối quan hệ biện chứng hợp lý giữa tổ chức bộ máy quản lý và xây dựng thể chế phát triển nói chung và thể chế kinh tế nói riêng.
Câu chuyện này cũng như câu hỏi “con gà hay quả trứng có trước”, phải dựa trên nguyên tắc thị trường, xử lý mối quan hệ thị trường - nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
“Nhà nước phải tin dân, tin doanh nghiệp, nhà nước là người cầm lái, chứ không phải người chèo thuyền, nhà nước đứng vào chỗ cần có, làm những việc cần làm, không làm thay”, GS. TS Nguyễn Kế Tuấn cho hay.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, trong thể chế của chúng ta có nhiều "nút thắt" kìm hãm kinh tế phát triển, nếu không giải quyết được nền kinh tế sẽ mãi mãi đi xuống. Một trong những “nút thắt” thể chế kinh tế là chưa đảm bảo an toàn trong kinh doanh, có nhiều rủi ro, bất ổn dẫn đến doanh nghiệp thường đầu tư ngắn hạn, đầu cơ…

Bên cạnh đó, cũng cần tháo gỡ “nút thắt” tin cậy trong việc giải quyết các tranh chấp về đầu tư, làm được điều này trước hết tòa án kinh tế và tòa án hành chính phải độc lập với nhau.

Cũng theo nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, hạn chế lớn nhất của thể chế kinh tế là cơ chế thị trường có các yếu tố sản suất kém phát triển, phân bố nguồn lực theo hành chính xin cho, theo ý chí chủ quan, chứ không phải vì mục tiêu phát triển.

Doanh nghiệp nhà nước có những nhiệm vụ vượt quá vai trò của doanh nghiệp, đồng thời chưa được quản lý và hoạt động tương ứng doanh nghiệp trong kinh tế thị trường hiện đại; trái với yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng cảnh báo, với thực trạng quy mô kinh tế tư nhân còn quá nhỏ so với yêu cầu, doanh nghiệp tư nhân trong nước vừa không “muốn lớn”, vừa không thể “lớn được một cách bình thường" theo quy luật thị trường. Đó là vấn đề rất nguy hiểm trong phát triển kinh tế. Do vậy, phải đổi mới tư duy, đó là yếu tố quyết định.

Tin cùng chuyên mục