Thời tiết cả nước đã bắt đầu chuyển sang mùa hè, khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa có nguy cơ bùng phát lớn. Theo nhận định của cơ quan y tế, ngoài dịch sốt xuất huyết, cúm, viêm não, các dịch bệnh nguy hiểm khác như: tiêu chảy cấp, thủy đậu, liên cầu khuẩn rất dễ lây lan rộng, làm nhiều người mắc.
Theo nhận định Cục Y tế dự phòng, mặc dù mới chỉ bước vào những ngày đầu hè, chưa phải vào giai đoạn đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), nhưng dịch bệnh nguy hiểm này trên người diễn ra khá phức tạp và bất thường.
Thống kê mới nhất cho thấy, trong 4 tháng qua, cả nước đã ghi nhận khoảng 9.000 trường hợp mắc SXH, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và đặc biệt có nhiều ca biến chứng nặng. Dịch SXH năm nay không chỉ gia tăng số người mắc ở các tỉnh phía Nam mà nhiều tỉnh miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Khánh Hòa…
Cùng với đó, tình trạng kháng hóa chất diệt muỗi cũng ngày càng gia tăng, khiến công tác phòng chống SXH trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, ngay tại nhiều tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội cũng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc SXH dù chưa vào mùa dịch.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, từ đầu năm đến nay, tất cả quận huyện của Hà Nội đều ghi nhận có bệnh nhân SXH, với trên 220 người mắc. Đáng lo ngại hơn, nếu trước đây, dịch SXH thường bùng phát vào tháng 6 - 7 thì nay dịch bệnh này có thể bùng phát bất cứ lúc nào nên không loại trừ khả năng trong những tháng tới dịch SXH tiếp tục bùng phát lớn khi thời tiết bắt đầu nóng bức và mưa nhiều.
Cùng với dịch SXH, theo nhận định của cơ quan y tế, hiện nay dịch cúm trên người vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Số liệu giám sát cúm trọng điểm quốc gia cho thấy, mặc dù số ca dương tính với cúm A/H1N1 đang có dấu hiệu giảm dần nhưng trong 4 tháng qua, cả nước cũng đã có gần 500 người mắc cúm A/H1N1, với 11 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, cùng với cúm A/H1N1 trên người đang lưu hành, cả nước hiện còn 6 tỉnh: Quảng Ngãi, Tiền Giang, Đắc Lắc, Hà Nam, Bắc Kạn và Quảng Trị có ổ dịch cúm gia cầm H5N1 chưa qua 21 ngày. Cùng với đó là tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ và sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra phức tạp và tràn lan ở nhiều tỉnh thành.
Hơn nữa, tại một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, hay Campuchia gần đây tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người. Đây là những yếu tố nguy cơ khiến dịch cúm từ gia cầm lây lan sang người rất cao.
Thời tiết nóng bức cũng khiến nhiều virus, vi khuẩn gây dịch bệnh trên người và động vật phát triển và lây lan nhanh hơn. Hiện nay, một số địa phương đã bắt đầu ghi nhận những trường hợp bị tiêu chảy cấp, sốt phát ban và viêm não. Thậm chí, bệnh thủy đậu, rubella thường chỉ xảy ra vào mùa đông xuân nhưng hiện vẫn có nhiều trường hợp mắc.
Mới đây nhất tại Hà Giang, một trong những tỉnh miền núi phía Bắc ghi nhận tới gần 300 trường hợp bị nhiễm rubella, chủ yếu là học sinh. Trong khi đó, theo Cục Thú y cho biết, cùng với dịch cúm gia cầm, cả nước vẫn còn tới 18 tỉnh thành có ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc và 2 tỉnh còn dịch heo tai xanh. Đây là những dịch bệnh cũng rất dễ lây lan sang người qua con đường ăn uống mất vệ sinh.
NGUYỄN QUỐC